Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa X:

Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc

14:28, 09/12/2021

Sáng 9/12, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành xem xét, đánh giá một số nội dung quan trọng. 

Tại Kỳ họp, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà đã trình bày Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về Kế hoạch xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đề ra là xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của Tây Nguyên; người dân có mức sống cao, nằm ở nhóm địa phương dẫn đầu vùng Tây Nguyên và đạt khá của cả nước; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh trật tự đảm bảo vững chắc; là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên về nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch và dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr chủ trì phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr chủ trì phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia

Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 125.000 tỷ đồng, tăng bình quân 14%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 15%/năm…

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 240.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân trên 15%/năm…

Tầm nhìn đến năm 2045, TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm và cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; là đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên.

Giám đốc Sở Tài chính Kế hoạch và Đầu tư trình bày tờ trình, dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà trình bày tờ trình, dự thảo nghị quyết tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia.

Báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế đề nghị, UBND tỉnh nghiên cứu, rà soát, bổ sung các giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư, thu hút doanh nghiệp, FDI, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng, gắn với định hướng phát triển công nghiệp của thành phố; vấn đề xử lý rác thải, bảo vệ môi trường…

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh cần chú ý xây dựng những giải pháp hướng tới tầm nhìn phát triển thành phố, nhất là các giải pháp để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông sản sâu; đánh giá nguồn vốn đầu tư và khả năng huy động vốn đảm bảo thực hiện các dự án của Chương trình…

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đã nghe đại diện UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh trình bày các tờ trình, báo cáo thẩm tra và dự thảo Nghị quyết như: Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND, ngày 21/12/2012 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc chủ trương chuyển loại rừng trên địa bàn huyện Krông Ana; Danh mục dự án phải thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; dự án đầu tư có sử dụng đất phải chuyển mục đích dưới 10 ha để trồng lúa, dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia.

Ngoài ra, đại biểu cũng xem xét, đánh giá các tờ trình, báo cáo thẩm tra và dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025; Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp với những người hoạt động không chuyên trách, mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, buôn tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị, xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ thôi việc đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư; việc sát nhập thôn, buôn tổ dân phố (đợt 3)… cùng nhiều nội dung khác

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tiến hành xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm 2022 của HĐND tỉnh; Nghị quyết về việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa Kỳ họp thứ Hai, thứ Ba HĐND tỉnh; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2022.  

Phiên làm việc tiếp theo các đại biểu tiếp tục xem xét các tờ trình, dự thảo Nghị quyết và tiến hành chia tổ thảo luận về các nội dung quan trọng. 

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.