Multimedia Đọc Báo in

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

16:57, 09/12/2021

Sáng 9/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) kết hợp với trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trị hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

Tại điểm cầu Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc.

Ủy viên Bộ Chính trị
Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày Báo cáo những nội dung chủ yếu kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quy định về những điều đảng viên không được làm.

Theo đó, từ năm 1990 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi nghị quyết, Đảng đều tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó xây dựng và ban hành nghị quyết mới, với quyết tâm chính trị cao hơn, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, yêu cầu cao hơn đối với cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên và phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nhận diện cụ thể những biểu biện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xem xét các báo cáo, thảo luận và thống nhất cao ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 1/11/2021 về những điều đảng viên không được làm; Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 1/12/2021 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Kết luận số 21.

Để triển khai thực hiện tốt các kết luận và quy định mới này, Bộ Chính trị đã sớm xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, Hội nghị cán bộ toàn quốc trực tuyến phổ biến, quán triệt những nội dung cốt lõi của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và kế hoạch triển khai thực hiện nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tham luận tại hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tham luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận chỉ rõ: Đây là các văn kiện rất quan trọng, triển khai thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao sẽ góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các Đảng đoàn, Quân ủy, Đảng ủy Trung ương, các Đảng bộ tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, trả lời cụ thể 3 câu hỏi: Lâu nay, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tại sao Trung ương lại tiếp tục bàn và ra nghị quyết về vấn đề này?; Tinh thần mới, nội dung mới của lần này là gì?; Phải làm gì, làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, biến nghị quyết thành hiện thực sinh động?.

Đề cập về nội dung vì sao Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII tiếp tục bàn về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước, đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Chính vì vậy, cần nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Nêu rõ 4 điểm đáng chú ý cũng như tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4 lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.