Multimedia Đọc Báo in

Tấm gương sáng người chiến sĩ cộng sản

09:01, 25/01/2022

Từ một trí thức yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sĩ tiêu biểu, mẫu mực, đồng chí (1902 – 1931) là một trong những người tiên phong trong thực hiện con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1/2/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1920 đến 1924, Nguyễn Phong Sắc vào trường Bưởi theo học hệ cao đẳng tiểu học với chương trình học 4 năm.

Năm 1924, rời trường Bưởi, Nguyễn Phong Sắc làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương, được đề bạt là “tham biện tài chính”. Trong thời gian này, Nguyễn Phong Sắc đã thấy bản chất của chế độ đô hộ, bóc lột của thực dân Pháp ở Đông Dương. Nguyễn Phong Sắc say mê tìm tòi nghiên cứu sách báo, đặc biệt là những tài liệu, bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã giúp ông từng bước giác ngộ về lý luận chính trị, hiểu biết về giai cấp và tầng lớp xã hội Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người trực tiếp 
phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào 
Xô viết Nghệ - Tĩnh. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đây là bước ngoặt quan trọng về tư tưởng trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Phong Sắc. Ông là một trong số 11 thành viên xây dựng lên Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cũng là một trong những hội viên làm tốt công tác giác ngộ thanh niên vào hội.

Tháng 3/1927, Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ được thành lập và đến tháng 6/1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được thành lập. Để đáp ứng nhiệm vụ đề ra lúc bấy giờ, ngày 28/9/1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã họp Đại hội đại biểu toàn kỳ lần thứ nhất. Đầu năm 1929, Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được tổ chức, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư chính thức đầu tiên của Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội.

Từ cuối năm 1928, Nguyễn Phong Sắc đã tổ chức, chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh bộ Hà Nội tích cực thực hiện phong trào “vô sản hóa” để tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản trong công nhân, nông dân và thợ thủ công nhằm mở rộng cơ sở thanh niên. Phong trào “vô sản hóa” bắt đầu từ Hà Nội phát triển khắp Bắc Kỳ và cả nước.

Ngày 7/3/1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nước được thành lập, Nguyễn Phong Sắc là một trong 8 thành viên sáng lập ra chi bộ này và trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của Hà Nội.

Ngày 17/6/1929, Nguyễn Phong Sắc cùng 19 đại biểu đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng; ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được phân công vào miền Trung để xây dựng tổ chức đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và các tỉnh Nam Trung Kỳ. Cùng với các đồng chí lãnh đạo khác, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ; góp phần thành lập hệ thống tổ chức đảng ở Bắc Trung Kỳ. Đến cuối năm 1929, Nguyễn Phong Sắc đã triển khai phát triển cơ sở đảng ở Nam Trung Kỳ.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Trung ương lâm thời và được phân công tiếp tục phụ trách Trung Kỳ. Lúc này ở Trung Kỳ có hai hệ thống tổ chức đảng: Kỳ bộ Trung kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tháng 3/1930 Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ đã lãnh đạo thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ về một mối là tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành hệ thống tổ chức của Đảng từ Phân cục Trung ương tới các tỉnh bộ, thành bộ, huyện bộ, thị bộ, xã bộ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng là người truyền đạt cho các tổ chức đảng của Kỳ bộ những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh của Đảng được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng.

Với trách nhiệm Bí thư Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã lãnh đạo công tác Đảng và phong trào cách mạng trong tất cả các tỉnh miền Trung. Ở Trung Kỳ, tính từ cuối năm 1929 đến tháng 4/1930 đã có rất nhiều cuộc đấu tranh nổ ra. Ngày 20/4/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ quyết định lấy ngày 1/5/1930 phát động quần chúng nhân dân toàn xứ đấu tranh. Cuối tháng 8/1930, phong trào cách mạng ở Trung Kỳ cũng như trong cả nước phát triển mạnh mẽ, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh được thể hiện qua tranh sơn dầu.

Tại Hội nghị lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, tiếp tục phụ trách Trung Kỳ.

Ngày 3/5/1931, sau khi phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai cho Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hải Phòng trở về Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã bị địch bắt. Đồng chí đã hy sinh ngày 25/5/1931, sau nhiều ngày bị địch tra tấn.

Xô viết Nghệ - Tĩnh – đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930 - 1931 là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc là linh hồn của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Sự cống hiến lớn lao của đồng chí cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng nước ta được cả dân tộc trân trọng, ghi nhận.

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.