Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ ra câu đối ở chiến khu Việt Bắc

15:34, 06/02/2022

Trong suốt thời gian sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ luôn luôn giữ một nếp sống giản dị, thanh bạch và gần gũi. Một hôm có đoàn cán bộ đến thăm, Bác đang cặm cụi trồng khoai môn trước nhà. Sau khi trao đổi về việc tăng gia sản xuất, tự cải thiện, Bác ra câu đối:

“Trồng môn trước cửa” (môn cũng có nghĩa là cửa).

Một đồng chí đối: “Bắt ốc sau nhà” (ốc cũng có nghĩa là nhà).

Mọi người được một trận cười vui vẻ giữa núi rừng.

Tháng 5/1948, cũng tại chiến khu Việt Bắc, sau lễ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ nhắc nhở trọng trách của Đại tướng bằng một vế đối và vui vẻ mời các thành viên trong Chính phủ đối lại. Vế đối của Bác chỉ vỏn vẹn có 4 chữ: “Giáp phải giải Pháp”. Vế đối có nghĩa là Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải có kế sách đánh thắng giặc Pháp xâm lược. Câu đối khó vì hai từ sau là tiếng nói lái của hai từ trước.

Tháng 12/1953, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng họp tại Việt Bắc quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Các thành viên trong Chính phủ thích thú suy nghĩ tìm câu đối lại. Người trước tiên xin đối là ông Tôn Quang Phiệt. Ông nói: “Hiến tài hái tiền”. Đây là một vế đối khá hay vì hai từ sau cũng là tiếng nói lái của hai từ trước, lại rất hợp với cương vị của Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ là ông Lê Văn Hiến, cần phải làm ra nhiều tiền, cũng như giải Pháp (đánh thắng thực dân Pháp xâm lược) hợp với cương vị Tổng Tư lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Mọi người vỗ tay hoan nghênh, tán thưởng sự nhanh trí của ông Tôn Quang Phiệt. Bác Hồ đã thưởng cho tác giả có vế đối hay ba quả cam. Người còn phân tích cái hay của câu đối không phải chỉ ở vần, ở chữ mà còn ở chỗ nói được hai nhiệm vụ và vai trò quan trọng chiến lược của Đảng ta lúc đó là: Đánh giặc, nuôi quân, kháng chiến, kiến quốc; vừa đánh giặc giỏi vừa phải làm kinh tế, quản lý tài chính giỏi.

Đỗ Thị Ngọc Diệp (st)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.