Multimedia Đọc Báo in

Ngày ấy, trên con đường huyền thoại

09:40, 06/02/2022

Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ hình thành từ những bước chân, mà còn từ ý chí, quyết tâm cao độ của cả dân tộc Việt Nam. Con đường ấy đã thấm biết bao mồ hôi và cả máu, thấm đẫm khát vọng thống nhất đất nước của những người mở đường và lớp lớp các thế hệ thanh niên hành quân ra trận.

Ngày 20/5/1959, bộ đội Trường Sơn thành lập và bắt đầu mở con đường huyền thoại vượt dãy Trường Sơn. Con đường ấy, nếu tính theo đường chim bay, bắt đầu từ thượng nguồn sông Lam (Nghệ An) cho đến phía Nam tỉnh Đắk Lắk cũng xấp xỉ một nghìn cây số. Trên con đường huyền thoại đoạn qua Tây Nguyên, có những câu chuyện huyền thoại mà không phải ai cũng biết.

“Ngọn đèn xanh Bác Hồ”, cây đèn dầu hỏa

Ngày 9/8/1964, Trung đoàn 98 Công binh bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường cho xe cơ giới trên đường Hồ Chí Minh. Đến cuối tháng 5/1965, đoàn xe cơ giới đầu tiên mang tên “Ngọn đèn xanh Bác Hồ” đã xuất kích thắng lợi. Qua 16 năm, bộ đội công binh đã mở đường giao thông chiến lược có tổng chiều dài 16.000 km gồm năm hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, một tuyến đường kín dài 3.140 km cho xe chạy ban ngày; với một khối lượng đất đá đào, đắp, san, lấp là gần 29 triệu m3…

Xe thồ Trường Sơn phát huy truyền thống Điện Biên Phủ, vận tải thồ cả ban đêm. Tối mịt mùng giữa đại ngàn thì phải làm sao? Các chiến sĩ có sáng kiến dùng đèn dầu hỏa để soi đường ban đêm, tránh được cảnh mò mẫm mà lại không bị địch phát hiện. Đèn soi đường không có bóng, có chụp, chỉ cần một ngọn lửa đốt lên, cài chiếc lá hay đoạn mo tre ở phía sau ngọn lửa, buộc cả đèn vào càng xe, cứ thế tha hồ đẩy trong đêm. Thậm chí lúc hết hàng, có thể ngồi lên yên xe mà đạp, đèn vẫn không tắt. Vì rừng rậm, cây che hai bên, gió không thổi tắt đèn… Rừng không chỉ “che bộ đội”, rừng còn che cả đèn cho những chuyến xe thồ.

Gặp hổ và chim Đ’rao giữa đại ngàn

Đường Trường Sơn huyền thoại có những con người huyền thoại. Chiến sĩ Trần Văn Tăng có mười năm làm giao liên, đi bộ hai vạn cây số trong rừng, từng hai lần gặp hổ. Một lần anh ngủ trên cây cao, hổ dưới thấp, quanh quẩn dẫm chân mà không làm gì được. Một lần khác anh làm hổ cáu vì sắp vồ được anh thì anh đã kịp lao ra giữa dòng suối sâu, bơi sang bờ bên kia. Trong cuốn “Thú rừng Tây Nguyên”, tác giả Thiên Lương kể về những chiến sĩ gặp hổ. Y tá Lê Đình Đơ sau khi nhận thuốc về giữa đường gặp hổ. Anh đã dùng súng lưỡi lê và trí thông minh, lòng gan dạ, dũng cảm đánh nhau với hổ hai giờ liền, cuối cùng khi sức cùng lực kiệt hạ được hổ.

Xe qua cầu dây trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Một chuyện thú vị khác, trong cuốn “Ngàn dặm Trường Sơn”, tác giả Hoàng Khôi kể: Ngày ấy giữa đại ngàn tổ chức Đại hội các dân tộc Tây Nguyên, có 300 đại biểu của 23 dân tộc về dự. Một trong những việc Đại hội phải làm là bàn thảo để chọn một hình ảnh tượng trưng cho tinh thần quật khởi, đoàn kết chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên. Suốt một ngày thảo luận, các đại biểu đưa ra rất nhiều loài chim thú dũng mãnh, đẹp đẽ nhưng đều chưa chọn được. Hổ mạnh hơn tất cả nhưng nó là loài thú dữ nên không được chọn. Thỏ nhanh nhẹn nhưng lại quá nhút nhát. Đại bàng to khỏe nhưng bị chê vì không biết chủ động đánh lại kẻ thù… Cuối cùng, một đại biểu đề nghị chọn chim Đ’rao mà người Êđê gọi là chim Cơ vây, người Gia Rai gọi là Cơ chươi, người Cor gọi là Sip Pơ lít, nhiều dân tộc khác gọi là Tơ Kai, Ku ê, Quây hơ bao… , người Kinh gọi là chèo bẻo. Đại biểu ấy nói: Chim Đ’rao không diêm dúa, khoe khoang. Nó mặc áo màu tro giản dị nhưng nó rất siêng năng. Nó dậy sớm đứng trên cây mít, cây bưởi trước nhà gọi mọi người dậy lo việc nhà, việc rẫy. Chim Đ’rao nhỏ mà gan dạ. Gặp kẻ thù to lớn nó không sợ, nó đoàn kết nhau cùng đánh đuổi đến cùng…

Tất cả mọi người nghe nói xong vỗ tay tán đồng, âm vang cả khu rừng già Tây Nguyên…

Cầu dây Trường Sơn tái hiện trong một bức tranh

Đầu năm 1965, Trung tướng Đinh Đức Thiện đi tham quan những chiếc cầu dây cáp bắc từ núi này sang núi kia, từ bờ sông này nối sang bờ sông kia trong thời kỳ chống Nhật ở nước ngoài. Về nước, Trung tướng Thiện đặt vấn đề với Viện Kỹ thuật giao thông nghiên cứu áp dụng phương pháp vận tải “mới lạ” này trên tuyến đường Trường Sơn.

Ông Nguyễn Trọng Quyến, người lái xe đầu tiên đi trên cáp kể lại: “Tôi lái một chiếc xe tải của Liên Xô, chạy bằng hệ thống bánh poulie (ròng rọc) trên cáp gần giống như bánh tàu hỏa chạy trên đường ray vậy. Mới đầu tưởng có các puli định vị trên cáp cứ thế trượt theo nó mà sang bờ bên kia, ai ngờ nó đánh võng kinh khủng”. Phải nhiều lần thử nghiệm, có những lần cả xe và người lao xuống suối suýt chết. Đến ngày 11/11/1965, lần thử nghiệm mang tính chất quyết định mới thành công. Sau đó, hàng loạt cây cầu kiểu “khác thường” này được nhân rộng trên khắp tuyến đường Trường Sơn. Máy bay trinh thám của địch nhìn từ cao chỉ thấy hai sợ dây vắt vẻo, nhưng không ngờ đó lại là mạch máu chuyển quân trang, đạn dược từ Bắc vào chiến trường miền Nam.

Tác phẩm “Những chuyến xe thần kỳ” của họa sĩ Hoàng Thanh Phong.

Mùa thu năm 2018, tại một triển lãm tranh ở Huế, công chúng ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy một bức tranh cỡ lớn vẽ một chiếc xe đang leo dây giữa Trường Sơn. Bức tranh đó của họa sĩ Hoàng Thanh Phong thuộc thế hệ 8X. Cảm hứng từ những câu chuyện của cha mẹ vốn là chiến sĩ Trường Sơn, từ những thước phim tư liệu chiến tranh về cầu dây cáp cho ô tô chạy bằng poulie vượt đại ngàn, anh bắt tay vào sáng tác tác phẩm “Những chuyến xe thần kỳ”. Trên hai tông nền màu vàng đen chủ đạo, chiếc xe tải nằm vị trí chính của tranh, với lớp lá ngụy trang cháy khói đen nằm giữa, bao quanh là màu hỏa hoàng tạo cảm giác cheo leo của một khối sắt nặng hàng tấn được đặt vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, không gian mang một màu khói lửa đặc trưng của chiến tranh với những hiểm nguy có thể xảy ra bất kể lúc nào. Xem tranh, đọng thắt lại ở người xem những hồi ức về một thời máu lửa…

Hồ Đăng Thanh Ngọc
 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.