Trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ nhất, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (phần 1)
LTS: Trước và sau các kỳ họp Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri, tổng hợp nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội theo quy định; đồng thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và trả lời cử tri.
Theo đó, những nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk tại Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã được các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Báo Đắk Lắk xin giới thiệu trích lược nội dung trả lời kiến nghị của cử tri.
Công tác dân tộc
1. Cử tri đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc cho phù hợp với tình hình hiện nay, phân loại nhóm chính sách, bãi bỏ những chính sách không còn phù hợp, bổ sung những chính sách mới thống nhất thực hiện đồng bộ, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Ủy ban Dân tộc trả lời: Thực hiện ý kiến Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 10084/VPCP-QHĐP, ngày 2/12/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã triển khai thực hiện Dự án điều tra nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2011/NĐ-CP, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP từ năm 2016 đến nay để xây dựng hồ sơ, dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2011/NĐ-CP trong năm 2022.
Đường nội buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk được đầu tư xây dựng từ Chương trình 135 của Chính phủ. Ảnh: Hoàng Tuyết |
2. Cử tri kiến nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc cấp tỉnh và Phòng Dân tộc cấp huyện trong vị trí việc làm công chức lĩnh vực công tác dân tộc, định mức biên chế công chức trong cơ quan, đơn vị hành chính thuộc lĩnh vực công tác dân tộc
Ủy ban Dân tộc trả lời: Căn cứ Khoản 2 Điều 1, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP, ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Khoản 1 Điều 14, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc đã triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lĩnh vực công tác dân tộc và định mức biên chế công chức trong cơ quan, đơn vị hành chính thuộc lĩnh vực công tác dân tộc theo đúng quy định về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 1/11/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-UBDT hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chỉ ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện. Không hướng dẫn về cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, trách nhiệm đó thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Đối với Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lĩnh vực công tác dân tộc và định mức biên chế công chức trong cơ quan, đơn vị hành chính thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, hiện nay Ủy ban Dân tộc đã hoàn thiện dự thảo và đang báo cáo xin ý kiến Bộ Nội vụ (lần 2) thống nhất trước khi ban hành theo quy định. Khi Bộ Nội vụ cho ý kiến, Ủy ban Dân tộc sẽ hoàn thiện dự thảo để ký ban hành thông tư.
3. Cử tri đề nghị sớm triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết 120/2020/QH14 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; sớm phân bổ vốn và ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Ủy ban Dân tộc trả lời: Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 15/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1409/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Dự kiến tổng mức vốn thực hiện chương trình (giai đoạn 2021 – 2025): 137.664,959 tỷ đồng.
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Ủy ban Dân tộc hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình; Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý đối với chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó xác định cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, ngành được giao chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình và Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình đang triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp phương án phân bổ vốn cho chương trình để ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phân bổ vốn cho địa phương để triển khai thực hiện.
(Còn nữa)
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc