Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện về bức ảnh “Lửa vây máy bay Mỹ"

15:50, 23/03/2022

Xuân này, về Lữ đoàn Pháo phòng không 573 (Quân khu 5) công tác, chúng tôi đã lặng đi vì xúc động khi được nghe Đại tá Trần Văn Hương, Chính ủy đơn vị giới thiệu với cán bộ, chiến sĩ lai lịch bức ảnh “Lửa vây máy bay Mỹ” của cựu phóng viên chiến trường Lương Nghĩa Dũng hiện đang được trưng bày tại Phòng Truyền thống.

Ngược dòng thời gian, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) của Thông tấn quân sự đã để lại một di sản ảnh chiến tranh quý báu với những bức ảnh rực lửa anh hùng, thấm mồ hôi, nước mắt và máu của người trong ảnh lẫn người cầm máy. Trong đó, bức ảnh “Lửa vây máy bay Mỹ” chụp các khẩu pháo cao xạ 100 ly đang nhả đạn vào máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời tỉnh Hải Dương ngày 4/7/1967 đã “bắt” trọn khoảnh khắc sự kiện, thể hiện sự tột cùng khốc liệt, tột cùng bi tráng, được quân dân cả nước, nhất là các đơn vị phòng không - không quân ghi nhớ mãi, đưa vào tư liệu lịch sử giáo dục truyền thống. Bức ảnh chụp khẩu đội 2, phân đội 174 pháo cao xạ Hải Dương đang chiến đấu tiêu diệt máy bay Mỹ.

Tác phẩm “Lửa vây máy bay Mỹ” của cựu phóng viên chiến trường Lương Nghĩa Dũng. Ảnh tư liệu

Nhiếp ảnh gia đã thu vào ống kính khung cảnh trận địa, lột tả sự dữ dội của trận đánh, đầu nòng pháo, lửa đạn sáng rực bung ra từng cụm khói khổng lồ cuồn cuộn dâng cao. Phía sau khẩu đội này là cả trận địa đồng loạt nổ súng. Đáng chú ý là bên phải bức ảnh, người xem thấy một pháo thủ đội mũ sắt quấn nùn rơm, sau lưng đeo áo giáp rơm tránh mảnh bom đạn - nét đặc biệt của người chiến sĩ Việt Nam. Tất cả quyết tâm, sức mạnh đều trút vào nòng súng. Hôm đó đơn vị hạ được 2 máy bay phản lực Mỹ.

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng tại chiến trường Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Bức ảnh được chụp từ độ cao của đài quan trắc ra đa. Đứng ở điểm cao này rất nguy hiểm, vì từ xa máy bay Mỹ đã phát hiện ra sóng ra đa của ta, lập tức chúng phóng tên lửa. Để lấy góc đẹp gần như duy nhất này tại các trận địa cao xạ ở đồng bằng, Lương Nghĩa Dũng với sự quả cảm, nhanh nhạy của một phóng viên chiến trường đầy bản lĩnh, không ngại nhiều lần bị tên lửa, hoặc bom hất xuống đất tới ngất xỉu.

Những người đồng nghiệp cùng thời kể lại, khi tác nghiệp ở chiến trường, nhờ chớp được những khoảnh khắc thể hiện thần thái của sự kiện, nhân vật, nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã làm nên thành công, giá trị cho những bức ảnh báo chí. Có thể nói, ông đã không ngại “đánh cược” với số phận để lưu lại những khoảnh khắc “để đời”. Đi khắp chiến trường, từng chết hụt nhiều lần và hy sinh ở tuổi 38, nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (lĩnh vực nhiếp ảnh) lần thứ 5 năm 2016 với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” gồm năm ảnh: “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Đánh chiếm cứ điểm 365”, “Đưa xe tăng vào trận địa”, “Xốc tới” và “Nữ pháo binh Ngư Thủy”.

Lương Nghĩa Dũng đã nằm lại trên chiến trường Quảng Trị, nhưng câu chuyện về cuộc đời làm báo, đặc biệt là những tác phẩm ảnh báo chí của ông vẫn “sống” mãi, thúc giục những người làm báo hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

Đỗ Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.