Multimedia Đọc Báo in

Ðồi Ðạo Trung - nơi ghi dấu những chiến công của quân dân Đắk Nông

08:54, 20/03/2022

Di tích lịch sử Địa điểm ghi dấu trận đánh đồi Đạo Trung nằm trên địa bàn thôn 9, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Đây là nơi diễn ra các trận đánh then chốt, có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với cả ta và địch, thể hiện sự kiên cường của quân và dân tỉnh Đắk Nông nói riêng và quân dân cả nước nói chung trong kháng chiến chống Mỹ.

Xác định chiến trường ở Tây Nguyên là trọng điểm trong Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, ngụy, đầu năm 1969, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nhanh chóng tăng cường tiềm lực về quân sự, xây thêm hàng trăm căn cứ, đồn bốt ở nam Tây Nguyên; xây dựng và mở rộng các sân bay, căn cứ hậu cần ở Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Gia nghĩa, Nhân Cơ…

Chúng khẩn trương xây dựng các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện; củng cố giao thông đến đâu, chúng cắm đồn bốt trên các tuyến đường quân sự đến đó để phục vụ cho sự cơ động của lính ngụy trong các cuộc hành quân càn quét vào vùng căn cứ cách mạng ta. Xác định địa bàn đồi Đạo Trung có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, kinh tế, chính trị… nên địch đã thiết lập chốt Đạo Trung, xem như “cánh cửa thép” nhằm ngăn chặn tuyến chi viện của ta từ biên giới Campuchia về dãy Nâm Nung và khu 6 (tỉnh Lâm Đồng), kết hợp đánh phá quân giải phóng ta, mở rộng và củng cố địa bàn chiến lược.

Di tích lịch sử Địa điểm ghi dấu trận đánh Đồi Đạo Trung.

Chốt Đạo Trung được địch xây dựng kiên cố, với hệ thống hầm hào, lô cốt vững chắc; “có 4 hàng rào thép gai kép và 1 hàng thép gai đơn đặt ở giữa chốt. Ban ngày địch kéo gọn lại, ban đêm chúng kéo ra để phòng sự tấn công, đột nhập của bộ đội ta. Khoảng cách mỗi lớp rào từ 5 m đến 7 m, xen kẽ là mìn chống bộ binh. Giao thông hầm, hào được kiên cố vững chắc, bố trí chạy xung quanh chốt. Bên trong chốt có vị trí chỉ huy, trận địa pháo 105 mm bố trí phía bắc đồn, cách vị trí chỉ huy khoảng 50 m; trận địa cối 81 được bố trí cách trận địa pháo 40 m về phía đông; trận địa cối 61 bố trí phía nam, cách vị trí chỉ huy 60 m; 3 hầm công sự đại liên bố trí 3 hướng tây, đông nam và đông bắc. Bên trên hầm địch dùng bao cát xếp dọc, có nơi xếp cao đến 2 m” (theo tư liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông).

Cuối năm 1973 đầu 1974, trên chiến trường Quảng Đức, chủ trương của ta là đánh địch đồn trú tại đồi Đạo Trung để ngăn chặn địch ở Đắk Song, không cho chúng mở rộng ra đến khu giải phóng của ta dọc tuyến Quốc lộ 14. Việc tiêu diệt được chốt Đạo Trung vừa hạn chế việc địch bắn phá, đưa quân càn quét vùng giải phóng, vừa mở rộng được hành lang vận chuyển người và của từ Quảng Đức sang Lâm Đồng, làm bàn đạp giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Gia Nghĩa.

Di tích lịch sử Địa điểm ghi dấu trận đánh Đồi Đạo Trung là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Theo đó, trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chốt Đạo Trung ghi dấu hai trận đánh. Trận đánh của quân chủ lực ta đêm 31/1/1974 rạng sáng 1/2/1974 vào chốt Đạo Trung làm tiêu hao sinh lực địch, phá hủy công sự, cơ sở vật chất và sở chỉ huy của địch tại đồi Đạo Trung; làm quân địch hoang mang, lo sợ, lực lượng bị phân tán, tinh thần hoảng loạn. Các hệ thống chốt chỉ huy trên địa bàn quận Khiêm Đức nói riêng và tỉnh Quảng Đức nói chung bị lung lay, tinh thần chiến đấu của địch phân tán, suy yếu. Tuy trận đánh không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng đã để lại những kinh nghiệm và bài học xương máu cho các trận đánh tiếp theo.

Trong trận đánh ngày 18/9/1974, quân địch tại đồn Đạo Trung bị tiêu diệt 90 tên, trong đó có đại đội trưởng đại đội pháo 105 mm và đại đội trưởng đại đội bảo an. Về phía ta không có hy sinh, 2 đồng chí bị thương nhẹ. Cô lập đồi Đạo Trung, quân địch nhiều nơi hoang mang, tinh thần phân tán, là tiền đề tiến tới giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 và giải phóng Gia Nghĩa ngày 23/3/1975.

Hiện tại, địa điểm đồi Đạo Trung đã được chính quyền địa phương xây dựng nhà tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ để tri ân công lao của cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Di tích có tổng diện tích hơn 13.400 m2, vẫn lưu lại dấu tích hầm, hào, sân bay trực thăng cùng với một số hiện vật lịch sử…

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.