Để nêu gương thực sự trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm
Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường, phát huy vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ta.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Lấy gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Theo đó, ai cũng phải cố gắng nêu gương: trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức, cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác.
Theo Người, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, trong đó, chủ yếu trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc. “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Đồng thời, xây phải đi đôi với chống, bởi “Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”. Vì chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh chính, đẻ ra trăm thứ bệnh và nhiều thói hư tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Do đó, nêu gương chính là phương thức hữu hiệu nhất để phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về những điều đảng viên không được làm”... Đã có rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu trong các lĩnh vực, các công việc. Đó là kết quả đáng tự hào mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đem lại; là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy đổi mới toàn diện, đồng bộ và tạo ra những thành quả cách mạng to lớn của đất nước.
Mô hình canh tác vườn cây của đảng viên xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar). Ảnh: Lê Thành |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhận thức và thực hiện trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế nên kết quả chưa được như mong muốn. Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013 - 2020 đã nhìn nhận: trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện “lợi ích nhóm”, chủ nghĩa cá nhân, thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, thậm chí suy thoái, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng đánh giá: Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu, chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Đồng thời, đưa phương pháp nêu gương vào 3 trong 10 trọng tâm công tác xây dựng Đảng thời gian tới. Để thực hiện tốt điều đó, Đại hội XIII xác định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên, “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”. Đây là những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Đặc biệt, điểm mới của Đại hội XIII là phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên với tiêu chí “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung) thông qua chính sách khuyến khích và cơ chế bảo vệ. Đây được coi là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cởi bỏ tâm lý sợ sai trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời là cơ sở để cán bộ, đảng viên vững tâm, vững lòng hơn khi có những đổi mới sáng tạo vì sự phát triển, vì lợi ích sự nghiệp chung của đất nước.
Có thể thấy, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tiếp tục được coi trọng và nâng tầm là bước tiến quan trọng, đột phá trong nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Cùng với đó, thực hiện tốt đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ từng tổ chức đảng - vấn đề tuy không mới nhưng là yêu cầu bức thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc