Multimedia Đọc Báo in

Mạch nguồn cội …

16:39, 26/04/2022

Khám phá dặm dài dải đất hình chữ S, Việt Nam là một thiên tiểu thuyết về lịch sử. Rất rất nhiều tên đất, tên làng đều có những điển tích, gắn liền với lịch sử khai sinh, dựng xây và bảo vệ bờ cõi.

Càng riêng có của Việt Nam khi hiếm một dân tộc nào trên thế giới có ngày quốc giỗ – Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch hằng năm) để luôn luôn nhắc nhớ mỗi người không bao giờ quên nguồn cội tiên tổ: con Lạc cháu Hồng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng lễ, thắp hương tưởng niệm trong Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đình Lạc Giao.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk dâng lễ, thắp hương tưởng niệm trong Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đình Lạc Giao. Ảnh: Lan Anh

Mạch nguồn cội dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản mỗi con dân đất Việt đã nuôi dưỡng tâm hồn con người những lắng sâu, trân quý và tưởng vọng về quê hương, bản quán. “Quê” đã trở thành tên gọi chung cho nơi chôn nhau cắt rốn, dù quê vẫn là quê hay quê đã trở thành phố thị. Tiếng “quê” luôn dung dị, gần gũi và ấm áp – nơi luôn mong mỏi, khắc khoải, thổn thức, xuyến xao khi trở về. Mạch nguồn cội dòng máu Lạc Hồng đã xây đắp lên lũy thành bền chắc – nghĩa đồng bào để Việt Nam luôn là đại gia đình yêu thương, chở che và rộng mở đón chờ những người con xa xứ tìm về bến đậu bình an khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Mạch nguồn cội dòng máu Lạc Hồng đã sâu rễ bền gốc, tạo nên phẩm chất con người Việt Nam thủy chung, nhân hậu, nồng ấm và lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đó là trong thẳm sâu của tâm thức và giá trị văn hóa. Ở góc độ vật thể, mạch nguồn cội còn đã, đang và sẽ luôn hiện hữu bằng những chứng tích lịch sử trên nhiều vùng đất ở dải đất hình chữ S này. Nhớ Ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch, ngoài Đền Hùng (Phú Thọ), khu di tích đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng là điểm hành hương của nhiều người dân để tri ân và tưởng nhớ những bậc thủy tổ có công khai mở nước.

Theo các nguồn sử liệu, Thần Nông lấy Nữ Long sinh ra Viêm Đế. Viêm Đế sinh ra Đế Minh. Đế Minh đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh lấy Vụ Tiên sinh là Lộc Tục. Lộc Tục là bậc thánh trí thông minh, sức khỏe phi thường, tài đức hơn người. Đế Minh phong cho Lộc Tục làm vua cai quản phương Nam xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy Thần Long, con gái Động Đình Quân (hiện đền thờ ở đền Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ) sinh ra Sùng Lãm nối ngôi xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Gốc rễ nguồn cội đang nhắc nhở con cháu muôn đời bằng việc bảo tồn di tích lịch sử quý giá này.

Khai sinh mở nước, trong hành trình giữ yên bờ cõi, các bậc tiền nhân đã dày công bảo vệ giang sơn, xã tắc để mạch cội nguồn dân tộc không bị tuyệt diệt hoặc đồng hóa. Dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là minh chứng lịch sử về kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn (42 năm) nhưng di tích này gắn với sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, là nơi ghi dấu ấn quan trọng: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.

Vào mùa thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển hưng thịnh của kinh đô quốc gia Đại Việt. Đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hàng ngàn năm với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn tâm thế vững vàng, xứng đáng là trái tim của cả nước. Những địa danh như Thành Cổ Loa, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc Tử Giám, Hồ Hoàn Kiếm… là minh chứng sống về mạch cội nguồn dân tộc luôn được tiếp nối, nuôi dưỡng, bồi đắp và trường tồn.

Thời gian có thể làm phôi phai nhiều thứ. Những công trình kiến trúc, di tích lịch sử không thể tránh khỏi sự tàn phá của thời gian nhưng hy vọng sự trùng tu, bảo tồn vẫn giữ được hồn cốt bởi giá trị của di tích không cứ ở sự hoành tráng, bề thế mà quan trọng là ở tầng sâu ý nghĩa, văn hóa. Cũng giống như sự tri ân tưởng vọng về nguồn cội không chỉ qua những dịp lễ hội mà luôn thường trực trong trái tim và việc làm của mỗi người để hướng thiện, hành thiện và thôi thúc những khát vọng vươn lên.

 Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.