Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử Đảng

08:02, 01/05/2022

Lịch sử Đảng là một bộ môn quan trọng trong chương trình học Trung cấp lý luận chính trị (LLCT). Để giảng dạy tốt môn Lịch sử Đảng đòi hỏi giảng viên phải không ngừng nghiên cứu, học hỏi, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều kỹ năng trong nghiên cứu, giảng dạy.

Theo đó, giảng viên cần nhận thức rõ đối tượng, chức năng, nhiệm vụ của khoa học Lịch sử Đảng để việc nghiên cứu, giảng dạy đúng yêu cầu chuyên ngành, khắc phục tình trạng trình bày Lịch sử Đảng giống như trình bày lịch sử dân tộc. Người giảng viên phải có khối lượng tri thức lớn, kiến thức toàn diện, sâu rộng về lý luận và vốn sống thực tiễn phong phú. Giảng viên và học viên phải có kiến thức xã hội, sự hiểu biết đất nước con người làm nền tảng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập Lịch sử Đảng; hiểu biết sâu sắc lịch sử của các đảng khác, qua đó có điều kiện đối chiếu so sánh, liên hệ; biết kết hợp lịch sử với thực tiễn cách mạng hiện tại. Một bài giảng lịch sử Đảng tốt là bài giảng tuy đề cập đến những vấn đề của quá khứ, nhưng người nghe vẫn thấy nó sống động với hiện tại, thấy nó có ích cho việc rèn luyện bãn lĩnh người cán bộ nhằm giải quyết những vấn đề của hiện tại.

Tư cách, phong cách, lời nói của giảng viên Lịch sử Đảng cũng như giảng viên các bộ môn khác của chủ nghĩa Mác - Lênin là tư cách, phong cách của người cách mạng, một người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng. Chức năng môn học Lịch sử Đảng là giáo dục truyền thống của Đảng, giáo dục lập trường, đạo đức cộng sản, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Một giảng viên thiếu tư cách đạo đức, dù kiến thức có sâu rộng đến đâu, cách diễn giảng có hấp dẫn đến đâu thì hiệu quả giảng dạy cũng không thể tốt được.

Một buổi thảo luận nhóm trong môn học Lịch sử Đảng của học viên tại Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Huy Tâm

Cần bảo đảm tính lý luận trong giảng dạy Lịch sử Đảng. Người giảng viên phải thông qua nghiên cứu tổng kết những bài học lịch sử của Đảng thành những lý luận mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam để mở ra hướng suy nghĩ về phương thức gắn việc giảng dạy và học tập Lịch sử Đảng với việc nhiệm vụ chính trị xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước hiện nay. Tính lý luận của một bài học Lịch sử Đảng chính là lý luận về sự vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam của Đảng ta. Nó mang trong mình cả tính phổ biến và tính đặc thù, cả tính kinh điển lẫn sự phát triển của học thuyết Mác - Lênin. Giảng viên thuyết phục người học bằng lý luận, bằng chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Trong bài giảng phải đưa nội dung cần phê phán để đấu tranh thẳng thắn với những kẻ phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính đảng thống nhất với tính khoa học.

Trong quá trình truyền đạt nội dung, giảng viên và học viên thảo luận cần liên hệ thực tiễn sinh động của phong trào cách mạng trong và ngoài nước cùng với những ưu khuyết điểm, những bài học kinh nghiệm, với giai đoạn lịch sử đang trình bày. Cần vận dụng nhuần nhuyễn lịch sử dân tộc làm nền cho việc minh họa Lịch sử Đảng, nêu lên tính kế thừa, sáng tạo của Đảng, qua đó thấy rằng đường lối chính sách của Đảng là hoàn toàn độc lập chứ không phải rập khuôn máy móc đường lối, chủ trương, cách làm của các đảng anh em. Điều cần thiết là mỗi bài giảng cần mang lại cho học viên là những kiến thức mới về kinh nghiệm nhằm giúp người học có thể thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng giao cho.

Người giảng viên và học viên học tập Lịch sử Đảng khi đánh giá các sự kiện, các phong trào cần thật khách quan, đảm bảo tính đảng thống nhất với tính khoa học, không nên dựa vào cảm tính chủ quan mà thêm bớt hoặc nặng, nhẹ. Số liệu, thời gian, địa điểm, sự việc cần chính xác, không tùy tiện. Khi liên hệ phê phán cần chú ý cả cái đúng, cái sai, không nên thiên lệch.

Phương pháp giảng dạy và học tập lịch sử Đảng có mối quan hệ khăng khít với lập trường cách mạng, với quan điểm chính trị và phẩm chất đạo đức của người giảng viên và học viên. Có đứng trên lập trường quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin thì mới có phương pháp giảng dạy và học tập đúng. Giảng dạy Lịch sử Đảng đòi hỏi tính sư phạm rất cao, vì vậy giảng viên phải nắm vững nội dung và kết cấu của bài giảng, lượng thông tin phải đa dạng và mới mẻ, cần cung cấp thông tin mới cho người học chứ không nên nhắc lại sách giáo khoa một cách máy móc vì làm như thế giảng viên chỉ có chức năng hoặc là làm người đọc chính tả, hoặc là làm công việc của một máy ghi âm.

ThS. Ngô Sáu

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.