Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Cần giải pháp mới cho vấn đề đã cũ
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017…
Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược "phòng, chống dịch COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19," kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn |
Đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ, phát biểu thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta đã đạt thành công quan trọng bước đầu.
Đặc biệt, thành công tại SEA Games 31 rất vang dội, được tổ chức tốt với thành tích cao, ứng xử văn hóa, để lại ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế... Những thành quả đạt được rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước chỉ rõ đây mới chỉ là kết quả bước đầu nên không được chủ quan, thỏa mãn.
Chủ tịch nước lưu ý đến những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian tới. Đó là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế. Các yếu tố đầu vào sản xuất tăng, kéo theo nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn chung.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng thì thời gian gần đây "bốc hơi" hàng tỷ USD. Do đó, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa nhằm ổn định kênh này, để dòng vốn đến với doanh nghiệp.
Chủ tịch nước đề nghị gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước. Các vấn đề xã hội khác cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em, đuối nước, bạo lực học đường...
Cho ý kiến tại phiên họp tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế của năm 2021 theo báo cáo chính thức của Chính phủ chỉ đạt 2,58%. Do đó, vấn đề quan trọng nhất bây giờ, theo Chủ tịch Quốc hội, là làm thế nào để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 8-8,5% và đạt mục tiêu 5 năm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Đây là thách thức rất lớn.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chi ngân sách rất khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Đầu tư công cả năm 2021 đạt hơn 70%, riêng vốn ODA chỉ đạt 32,85%.
Đáng chú ý, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có trị giá khoảng 340.000 tỷ đồng nhưng đến nay chưa phân bổ được đồng nào, trong khi gói này chỉ có giá trị trong năm nay và năm 2023…
Đề cập đến việc mua thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ và Quốc hội đã đồng ý cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, thế nhưng lại xuất hiện tình trạng: Một số nơi không dám mua, trong khi có nơi lại mua sai… Tình trạng này diễn ra ở cả việc mua thuốc thông thường.
Nhấn mạnh trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế mà "có tiền không tiêu được", nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục…, còn "thể chế thì không vướng gì nữa cả," Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này.
"Tới đây phải tính toán lại, làm rõ. Cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ-tức là những vấn đề còn kéo dài, căn bệnh trầm kha?" Chủ tịch Quốc hội lưu ý…
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Nam, Tuyên Quang và Bình Định thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN |
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu; không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật. Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường.
Về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, một số đại biểu cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ đã rà soát và ban hành nhiều định mức, chế độ tiêu chuẩn, tuy nhiên cần có sự đánh giá đúng mức sự phù hợp về chế độ định mức, tiêu chuẩn đó về tính hợp pháp. Đồng thời cần lấy đó làm thước đo để đánh giá việc thực hành tiết kiệm. Nếu chỉ thực hiện đúng định mức tiêu chuẩn, thì chưa đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm.
Đối với vấn đề tinh giản biên chế, các đại biểu cũng cho rằng để công tác này đạt được hiệu quả, cần có sự chủ động, tích cực từ phía các địa phương. Theo đó, không nên áp cứng các chỉ tiêu về số lượng biên chế một cách máy móc, mà mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, các điểm đặc thù của địa phương để thực hiện tinh giản biên chế cho phù hợp, đảm bảo tinh gọn bộ máy gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động…
Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đọc Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc