Multimedia Đọc Báo in

Vừa sản xuất, kinh doanh, vừa chăm lo an sinh xã hội

08:16, 27/05/2022

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị về lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh. Nhiều đơn vị trong Khối không chỉ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cùng địa phương chăm lo an sinh xã hội.

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp hiện quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Sêrêpốk, tổng công suất 586 MW. Thời gian qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến ngành điện nói chung và tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty nói riêng. Công ty đã tổ chức sản xuất ứng phó an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh tại địa bàn.

Theo đó, doanh nghiệp đã trang bị đầy đủ các cơ sở vật chất thiết yếu, tùy thời điểm để thực hiện kích hoạt tình huống cách ly tại chỗ đối với lực lượng trực vận hành các nhà máy, tổ chức làm việc từ xa. Năm 2021, sản lượng điện sản xuất đạt hơn 2,6 tỷ kWh, tương đương 101% sản lượng theo công suất thiết kế.

Kiểm tra thiết bị vận hành tại Nhà máy thủy điện Buôn Tua Shar của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp.

Song song với hoạt động sản xuất điện, công ty cũng tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn như ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh; ủng hộ các gia đình gặp khó khăn trong tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Lắk, TP. Buôn Ma Thuột; tặng quà các chốt kiểm soát dịch… Đơn vị cũng quan tâm chăm lo đến các gia đình chính sách tại buôn kết nghĩa, hỗ trợ cây giống cho người dân, hỗ trợ học sinh các trường trên địa bàn các nhà máy đứng chân… Tổng số tiền tham gia hoạt động từ thiện xã hội trong năm qua khoảng 700 triệu đồng.

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn miền Trung cũng đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động, giá cả vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao, sự cạnh tranh của các hãng bia ngày càng trở nên khốc liệt. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc công ty đã chỉ đạo, điều hành triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu trong sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, công ty đã thực hiện chương trình chuyển đổi số nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa năng suất làm việc và thúc đẩy hiệu quả trong quản trị; áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tiết kiệm năng lượng; khuyến khích sáng kiến, giải pháp hữu ích trong công nhân để cải tiến sản xuất, giảm thiểu tác động xấu tới môi trưởng, cải tạo điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động.

Năm 2021, công ty đã sản xuất 74,59 triệu lít bia, nộp ngân sách nhà nước 1.063 tỷ đồng. Về công tác an sinh xã hội, doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động vì người nghèo, chăm lo giúp đỡ người khuyết tật, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng và chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19, với tổng kinh phí 750 triệu đồng.

Dây chuyền sản xuất bia chai của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Trung.

Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Trần Quang Tân cho biết, trong Khối có 38 tổ chức cơ sở đảng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, các doanh nghiệp trong khối có mức tăng trưởng doanh thu 9,26%/năm, nộp ngân sách nhà nước tăng 18,3%/năm, chiếm khoảng 20 - 30% tổng thu ngân sách của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người tăng 12%/năm.

Thời gian qua, Đảng ủy Khối, cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Đảng bộ tham mưu đề xuất các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời điểm đại dịch COVID-19, các cơ quan, đơn vị trong Khối đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay góp sức, ủng hộ kinh phí lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, khẩu trang và tổ chức các hoạt động hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, với tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng.

Thời gian tới, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng sẽ đổi mới phương thức lãnh đạo trong quản lý, điều hành, trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.