Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên
Chiều 15/6, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020.
Các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến quan trọng.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chuyển biến tích cực, giai đoạn 2002 - 2020 tăng trường kinh tế đạt đạt bình quân 13,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của các bộ phận dân cư từng bước được cải thiện, GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2020 đạt 53,98 triệu đồng/người, gấp 18,4 lần năm 2002.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Sản xuất nông nghiệp duy trì phát triển, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khả quan, công nghiệp quy trì tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2016 - 2020 chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân đạt 5,1%/năm. Ngành dịch vụ tăng từ 1,87% năm 2002 lên 3,49% năm 2020.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng đều qua các năm, năm 2002 đạt 442 tỷ đồng, năm 2020 đạt 8.294 tỷ đồng. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2002 - 2020, toàn tỉnh có 13.308 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hoạt động 89.530 tỷ đồng.
Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, người có công được triển khai đồng bộ, kịp thời. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 vẫn còn những tồn tại, hạn chế: tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển còn thiếu tính ổn định, bền vững; nông nghiệp tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững, chưa giải quyết tốt vấn đề cung cầu của thị trường và giải pháp ổn định giá nông sản, quy mô ngành công nghiệp còn nhỏ; dịch vụ logistics chưa phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, nhất là giao thông kết nối vùng; thu hút đầu tư còn hạn chế; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; phát triển văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập; an ninh chính trị, trật tự an xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định…
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Lê Vinh Quy báo cáo một số vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận về những nội dung: giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho địa phương thời gian tới; các chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển vùng công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo cho vùng Tây Nguyên.
Đồng thời nêu ý kiến về các vấn đề: cần đánh giá rõ hơn về tình hình của cả vùng Tây Nguyên, nhất là đảm bảo quốc phòng, an ninh như tinh thần của Nghị quyết; đánh giá thêm về vấn đề dân tộc, tôn giáo; việc nêu kiến nghị, đề xuất và giải pháp cần theo từng nhóm vấn đề; đánh giá sâu hơn về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị…
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Thành Dũng đề xuất, kiến nghị các nhóm giải pháp nhằm phát triển vùng Tây Nguyên trong thời gian tới. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 cũng như việc xây dựng nội dung báo cáo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, sau hội nghị, các đại biểu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ đóng góp ý kiến, kiến nghị, đề xuất hoàn chỉnh báo cáo trình Trung ương để có cơ sở ban hành nghị quyết mới, tạo cơ hội, động lực cho sự phát triển vùng Tây Nguyên trong thời gian tới. Đồng thời lưu ý việc kiến nghị chính sách cần mang tính chất chung cho cả vùng Tây Nguyên, nhất là các “điểm nghẽn” của vùng; việc đánh giá cần mang tính khái quát chung cả vùng, trong đó tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc