Multimedia Đọc Báo in

Hơn cả lời tri ân…

06:39, 27/07/2022

75 năm qua, ngày 27/7 đi vào lịch sử đất nước như một dấu mốc nhắc nhớ sâu sắc hơn về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa"... Hơn cả ngàn lời nói, các cá nhân, tập thể, địa phương đã chung tay thực hiện nhiều việc làm chân thành, giản dị hướng về người có công với cách mạng.

Những ngày tháng 7, căn nhà của vợ chồng ông Ong Thế Tam ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột rộn rã tiếng nói cười. Các tổ chức, đoàn thể, địa phương và mới nhất là Đoàn công tác của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đã đến thăm hỏi, động viên, sẻ chia cùng người lính trở về từ bom đạn.

Ông Tam quê ở tỉnh Bắc Giang, nhập ngũ năm 1972 vào Tiểu đoàn 499, Trung đoàn 568. Khoảng hai năm sau, đơn vị ông lên đường vào Nam chiến đấu. Khi hành quân về đến Kon Tum, đơn vị bị máy bay địch dội bom trúng, nhiều người hy sinh tại chỗ, người bị thương. Ông may mắn sống sót, nhưng đôi chân không còn nguyên vẹn cùng vết thương sọ não khiến sức khỏe bị giảm sút nhiều.

Dẫu thương tật 85% nhưng trở về cuộc sống đời thường, ông Tam luôn cần cù, chịu khó, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Ngay cả khi đang mang trong mình bệnh hiểm nghèo, ông vẫn luôn lạc quan, bình tâm.

Ông Tam tâm tình: “Đừng nghĩ đến những điều không hay, mà hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp xung quanh mình. Như những ngày này, sự quan tâm, động viên của mọi người khiến lòng tôi thêm phấn khởi, ấm áp…".

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm, tặng quà người có công trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. 

Những năm qua, công tác chăm sóc người có công luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, triển khai sâu rộng nhằm hỗ trợ kịp thời về cả vật chất và tinh thần cho các đối tượng. Chỉ riêng dịp 27/7 năm nay, tỉnh đã thành lập 5 đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên người có công tiêu biểu trên địa bàn; tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ.

Tại các huyện, thị xã, thành phố, các hoạt động hướng về Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ được triển khai xuống tận cơ sở. Theo ông Đỗ Duy Toại, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp, huyện đang bàn giao hơn 700 suất quà gửi tặng người có công, gia đình người có công trên địa bàn và hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ 3 gia đình xây dựng nhà ở. Riêng 9 xã, thị trấn của huyện đều tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống ngày kỷ niệm đặc biệt này. Dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương luôn nỗ lực để 100% người có công được quan tâm, chăm lo chu đáo.

Cùng với các cấp ngành, địa phương, trong tháng 7, hành trình của "ngọn lửa" tri ân được tuổi trẻ toàn tỉnh tiếp nối thắp sáng. Hàng nghìn sắc áo tình nguyện có mặt ở muôn nơi với những hoạt động đậm nghĩa tri ân: sửa sang nhà ở cho người có công; chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ; thắp nến tri ân, tặng quà gia đình chính sách; giao lưu văn hóa, văn nghệ ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc… Chuỗi hoạt động được các tổ chức cơ sở Đoàn triển khai nhằm giáo dục truyền thống tuổi trẻ hôm nay luôn ghi nhớ, biết ơn với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước.

Tuổi trẻ thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Chị H’Hương Bkrông, Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột tâm tình: “Hướng về cội nguồn những dịp này, tuổi trẻ càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình, sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh anh dũng của ông cha, những nỗi đau kéo dài hàng chục năm của các thân nhân không tìm được hài cốt liệt sĩ. Hơn tất cả mọi sự tri ân, chúng tôi không cho phép mình quên và mãi mãi không được quên đi những hy sinh thầm lặng đó. Tuổi trẻ hôm nay luôn cố gắng phải sống sao thật xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã dày công gây dựng”.

Sống thật xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội cũng là điều mà nhiều cựu chiến binh tự dặn chính mình. Đã dành trọn cả thanh xuân cho Tổ quốc, trở về sau chiến tranh, nhiều người tiếp tục lặn lội khắp các chiến trường để tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ, giám định ADN để tìm lại tên cho các đồng đội. Nhiều người khi kinh tế đã khá giả hơn, họ sẵn sàng ưu tiên tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho con em cựu chiến binh.

Vì lời hứa với bạn chiến đấu đã hy sinh, nhiều người nhận đùm bọc, chăm sóc thân nhân của người đã khuất như chính tình thân ruột thịt. Từng dành hàng chục năm ngược xuôi và tìm lại tên thành công cho 34 đồng đội, ông Nguyễn Ngọc Sương, nguyên cán bộ chính sách Trung đoàn 25 (Bộ Tư lệnh B3 Tây Nguyên) chân tình bộc bạch rằng còn sức khỏe sẽ còn tham gia tìm kiếm thông tin đồng đội và mãi mãi tri ân đồng đội…

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ: "Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công nhằm bày tỏ sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc nhất. Khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngoài triển khai thực hiện đúng đủ, kịp thời chế độ chính sách, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nhiều mô hình sinh kế, chăm sóc, phụng dưỡng nhằm hỗ trợ người có công, thân nhân ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần".

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.