Nguyên tắc đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc trong đối ngoại - từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyên tắc hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam theo Hồ Chí Minh là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh đây là bài học kinh nghiệm quý giá, tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng trong sự nghiệp đổi mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng, hoạch định chính sách ngoại giao của Nhà nước, kiến tạo và mở rộng mối quan hệ quốc tế, từng bước nâng cao thế và lực của quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo Hồ Chí Minh, nguyên tắc hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết, trên hết. Vì vậy, Việt Nam sẵn sàng đặt quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và đồng thời cũng quyết tâm hy sinh tất cả để giữ vững độc lập, tự do của quốc gia, dân tộc. Người khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và chung sống hoà bình” [1].
Để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng trước hết cần phải nỗ lực, dựa vào sức mạnh là chính. Người kêu gọi nhân dân phải đem sức ta mà giải phóng cho ta, dựa vào sức mình là chính, tranh thủ thời cơ và sự giúp đỡ bên ngoài để giải phóng cho mình, qua đó góp phần vào cách mạng thế giới vì “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” [2].
Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Ảnh: Hữu Nguyên |
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc thiết lập và phát triển quan hệ với các nước lớn với tinh thần “không gây thù oán với một ai”, giữ vững độc lập tự chủ, không chịu sức ép, tác động của bất cứ ai, thi hành chính sách cân bằng, không ngả theo bên này, chống bên kia. Người chủ trương phải hiểu được các nước lớn, dù là đồng minh hay đối thủ, biết được mối quan tâm và chiến lược cơ bản của họ, hiểu bản chất và vận hành nội trị và ngoại giao từng nước lớn, quan hệ hợp tác và đấu tranh giữa các nước lớn cùng những giới hạn của các mối quan hệ đó. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh nói riêng, nguyên tắc đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc nói riêng đã góp phần đưa cách mạng nước ta giành được những thắng lợi vĩ đại.
Quán triệt và vận dụng quan điểm “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất” [3]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi” [4] Trong giai đoạn hiện nay, lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quan hệ đối ngoại, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên trì chính sách “năm không”: Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết nước này để chống nước kia.
Đối với vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine, Việt Nam luôn đứng ở vị trí trung lập để xem xét, nhìn nhận, đánh giá, phát ngôn và hành động. Đảng, Nhà nước Việt Nam không ủng hộ xung đột quân sự này, đồng thời tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh những động thái gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định toàn cầu; đe dọa nghiêm trọng đến sinh mệnh của binh lính và người dân vô tội ở các nơi xảy ra xung đột.
Đồng thời với việc kêu gọi kiềm chế, giảm xung đột, Đảng, Nhà nước Việt Nam bày tỏ mong muốn hai bên nhanh chóng chấm dứt việc dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, thay vào đó là đàm phán, đối thoại nhằm giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Thông qua các phát biểu chính thức của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, quan điểm nhất quán của Việt Nam là kêu gọi chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng [5], [6]. Chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào đề cập đến việc Việt Nam ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào.
Vì lẽ đó, tất cả những bài viết, luận điệu của các thế lực phản động cho rằng Việt Nam ủng hộ ủng hộ Nga, chính quyền Putin cũng như cuộc chiến tranh “xâm lược Ukraine”… hoàn toàn là bịa đặt, cố tình bôi nhọ, hạ thấp uy tín và tầm ảnh hưởng của Đảng, Nhà nước cũng như dân tộc Việt Nam; ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Nga, Ukraine và cộng đồng quốc tế.
Sau hơn 35 năm đổi mới, việc xác định đúng đắn nội hàm của lợi ích quốc gia, dân tộc giúp Đảng và toàn dân ta nhận thức sâu sắc và xử lý hài hòa các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ với các nước lớn. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xử lý hài hòa mối quan hệ với các nước lớn là phương thức tốt nhất để chúng ta vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc, thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.
Lại Thị Ngọc Hạnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.12
[2]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.445
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 155.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr. 161 - 162.
[5]. https://nhandan.vn/viet-nam-keu-goi-giai-quyet-tranh-chap-bang-bien-phap-hoa-binh-post687862.html
[6]. https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-tuyen-bo-cua-viet-nam-tai-dai-hoi-dong-lhq-ve-tinh-hinh-ukraine-post927707.vov.
Ý kiến bạn đọc