Multimedia Đọc Báo in

Sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố: Chính quyền quyết tâm – lòng dân đồng thuận (kỳ 2)

08:11, 02/08/2022

Kỳ 2:  Trăn trở… chuyện quản lý

Sắp xếp lại quy mô khu dân cư là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn trở ngại, trăn trở như quy định số hộ dân, công tác quản lý địa bàn dân cư, giải pháp giúp người dân thay đổi các thủ tục hành chính...

Từ chuyện một cán bộ thôn “gánh” hơn một nghìn dân

Theo quy định tại Khoản a, Mục 1, Điều 7, Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, buôn (gọi chung là thôn), tổ dân phố (TDP) quy định về Quy mô số hộ gia đình để thành lập thôn mới ở xã thuộc các tỉnh Tây Nguyên phải có từ 200 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố (TDP) có từ 250 hộ gia đình trở lên. Đây chính là trở ngại lớn nhất bởi ở một số khu vực miền núi thường có địa hình phức tạp, dân cư phân bố rải rác, các thôn, buôn chia cắt. Trước vấn đề này, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng nếu sáp nhập 2 thôn, buôn thì vẫn không đủ điều kiện số hộ dân theo quy định, do đó buộc phải sáp nhập thêm một thôn, buôn khác. Song, khi sáp nhập 3 thôn, buôn thì địa bàn lại quá rộng, cách trở và dân số quá lớn gây khó khăn trong công tác quản lý của cán bộ thôn, buôn.

Đơn cử tại thôn 5, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) sau sáp nhập thành thôn mới thì số hộ dân lên đến 313 hộ, 1.260 nhân khẩu, với tổng diện tích trên 435 ha; tổng chiều dài theo trục đường chính từ đầu thôn đến cuối thôn gần 5 km, khiến việc quản lý, đi lại của cán bộ thôn, buôn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, trước đây mỗi thôn cũ có đến 11 cán bộ, bây giờ theo quy định mới mỗi thôn, buôn chỉ có 1 bí thư chi bộ, 1 trưởng thôn và 1 trưởng ban công tác Mặt trận (được hưởng phụ cấp).

Người dân thôn 11, xã Cư Yang sinh sống rải rác ven các chân đồi.

Tương tự, xã Cư Yang (huyện Ea Kar) có 4 thôn thuộc diện sáp nhập, phương án của địa phương là sẽ sáp nhập thôn 10 với các thôn 11, 12 và 13 nhưng không được cấp trên thông qua vì không đủ điều kiện về số hộ dân (200 hộ/thôn). Trong khi đó trên thực tế khi sáp nhập hai thôn 10 và 11, tổng diện tích của thôn mới đã là trên 954 ha, thôn 12 và 13 gần 555 ha. Điều đáng nói ở đây nữa là lâu nay người dân 4 thôn này đều sinh sống rải rác ven các chân đồi núi, đường giao thông đi lại khó khăn, không trùng tuyến. Anh Lăng Văn Ỏn (Bí thư Chi bộ thôn 11) bày tỏ, việc sáp nhập 2 thôn thành một sẽ gây rất nhiều khó khăn bởi diện tích 2 thôn rất lớn, hơn thế nữa các hộ dân sinh sống theo từng cụm với chiều dài từ đầu thôn đến cuối thôn khoảng 5 km, chắc chắn rằng việc tuyên truyền, vận động bà con vất vả hơn trước, ai cũng băn khoăn không biết mình có đảm đương trọn vẹn công việc hay không. Nếu sáp nhập 3 thôn thì khó sẽ chồng khó.

 

“Thực tế triển khai việc sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử khi sáp nhập buôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số thôn khác còn nhiều trăn trở, do liên quan đến chính sách ưu đãi cho đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, đối với người hoạt động không chuyên trách tại thôn, TDP sau khi sáp nhập có diện tích rộng, quy mô hộ gia đình lớn, khối lượng công việc nhiều hơn… nhưng mức phụ cấp không tăng” – Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ.

Hay ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) cũng sáp nhập 12 thôn, buôn. Trong đó, có thôn 12 sau khi sáp nhập với thôn Sơn Điền (lấy tên mới là thôn 12) có dân số 574 hộ, với gần 3.100 nhân khẩu, diện tích trên 768 ha. Như vậy, tại thôn này, mỗi cán bộ phải “gánh” 191 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu – đây sẽ là một gánh nặng lớn trong công tác quản lý ở cấp cơ sở.

Đến việc “chia năm, sẻ bảy” tổ dân phố

Bên cạnh trở ngại về địa bàn rộng, dân cư đông thì thực tế việc sáp nhập thôn, TDP đang diễn ra một vấn đề phải “chia năm, sẻ bảy” để việc sáp nhập được thuận lợi hơn. Cụ thể như ở phường Thiện An (thị xã Buôn Hồ) có 8 TDP, trong đó có 5 đơn vị thuộc diện phải sáp nhập gồm TDP 2, 4, 5, 7 và TDP Đồng Tiến. Theo phương án trước đây của UBND phường thì sẽ sáp nhập TDP 5, 7 (hầu hết người dân ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh vào sinh sống lập nghiệp) và một phần TDP 4 (người dân Bình Định, Quảng Ngãi). Tuy nhiên, người dân TDP 5 và 7 không đồng ý vì phong tục, tập quán không giống nhau, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Trước thực trạng đó, UBND phường đã phải lên phương án giải thể TDP Đồng Tiến để chia một nửa cho TDP 1 và một nửa cho TDP 3; giải thể TDP 4 để chia một phần cho TDP 2 và phần còn lại chia cho TDP 5, 7. "Biết rằng, việc “chia năm, sẻ bảy” này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nhưng cũng đành chịu" - ông Trần Duy Tự, Chủ tịch UBND phường Thiện An bày tỏ.

Nhà văn hóa thôn 5A cũ (xã Ea Ô) không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cho người dân sau khi sáp nhập 3 thôn.

Một băn khoăn nữa là sau khi sáp nhập, ở một số thôn, TDP, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp khó khăn vì khoảng cách đến trung tâm xa; nhà văn hóa của 1 thôn chỉ vài chục hộ trước kia khác với nhà văn hóa của vài trăm người hiện nay cho nên việc tập trung người dân là rất khó. Nếu xây dựng, mở rộng nơi sinh hoạt thì việc tìm được địa điểm đặt nhà văn hóa cũng là vấn đề lớn; đó là chưa tính đến quỹ đất và kinh phí làm nhà văn hóa mới, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp. Đây cũng chính là thực tiễn đang diễn ra sau khi sáp nhập 3 thôn 5A, 5B và thôn 13 (xã Ea Ô, huyện Ea Kar), bởi các thôn này đều đã xây dựng nhà văn hóa chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của số hộ dân của thôn mình trước đây, bây giờ sáp nhập lại thì có đến 3 nhà văn hóa, nhưng lại không có nơi nào đủ sức tập trung tất cả người dân thôn mới.

Ở một số địa phương người dân băn khoăn, lo lắng khi buôn mình hiện tại đang thuộc diện buôn đặc biệt khó khăn nhưng lại có quyết định sáp nhập với một thôn khác thì liệu người dân còn được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ không. Ngoài ra, vẫn còn nhiều băn khoăn, bất cập khi thực hiện sáp nhập như: Sự khác biệt về phong tục, tập quán của người dân thuộc các dân tộc khác nhau; những quy định chung về trật tự, vệ sinh, nếp sống văn minh, sinh hoạt; đặc thù về tôn giáo, tín ngưỡng; lựa chọn tên gọi mới và nhân sự sau khi sáp nhập thôn, TDP cũng là "bài toán" không đơn giản đối với nhiều địa phương…

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Sớm giải quyết thỏa đáng những vấn đề từ thực tiễn

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc