Multimedia Đọc Báo in

Sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố: Chính quyền quyết tâm - lòng dân đồng thuận (kỳ 1)

08:12, 01/08/2022

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6,  khóa XII về: "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, buôn (gọi chung là thôn), tổ dân phố (TDP) theo quy định, bước đầu mang lại nhiều tín hiệu tích cực…

Kỳ 1: Chủ trương phù hợp thực tiễn

Sắp xếp thôn, TDP là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm quy định và tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đây là chủ trương phù hợp với thực tiễn, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng.

Lòng dân đồng thuận

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-HĐND, ngày 18/11/2019 của HĐND tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết số 35) về việc sáp nhập thôn, TDP thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (đợt 2) và giải thể thôn 15, xã Cư Yang (huyện Ea Kar), xã Ea Ô (huyện Ea Kar) có 3 thôn thuộc diện phải sáp nhập gồm thôn 5A, 5B và 13. Theo đó, sau khi có quyết định sáp nhập 3 thôn thành thôn 5, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án sáp nhập, phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách địa bàn chủ trì họp với các tổ chức, đoàn thể các thôn và lấy ý kiến nhân dân. Tại các cuộc họp, khi nghe thông tin, tuyên truyền về chủ trương nhằm giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP, nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý của chính quyền cấp xã và giảm chi ngân sách nhà nước…, hầu hết người dân đều bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí. Nhờ đó, sau một vài cuộc họp, việc sáp nhập 3 thôn 5A, 5B và 13 thành thôn 5 đã nhanh chóng được thực hiện.

án bộ thôn 5 (thôn mới) xã Ea Ô tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương sau khi sáp nhập.

Ông Nguyễn Văn Phương (người dân thôn 5A cũ) chia sẻ, khi chính quyền xã thông báo việc sáp nhập 3 thôn, bản thân rất đồng tình bởi các thôn 5A, 5B và 13 chủ yếu là người dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và số ít ở các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp nên phong tục, tập quán, cách sinh hoạt và nét văn hóa cơ bản giống nhau. Mặt khác, địa bàn khu dân cư của 3 thôn nằm liền kề nhau, chủ yếu hai bên tuyến đường liên xã Ea Ô – Ea Kmút, địa hình bằng phẳng, thuận tiện trong việc đi lại, giao thương nên việc sáp nhập là phù hợp thực tiễn. Hơn thế nữa, việc sáp nhập còn góp phần tinh gọn bộ máy, tạo sự gắn bó trong cộng đồng dân cư.

Xã Buôn Triết, huyện Lắk có tổng số 15 thôn, buôn, trong đó có 6 thôn, buôn quy mô dân số dưới 100 hộ dân nên thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2019 - 2021. Trên cơ sở đó, địa phương có đề án sáp nhập các thôn, buôn: buôn K Nacê với buôn Ung Rung 2; buôn Ung Rung 1 với buôn JaTu; thôn Đồng Tâm với buôn Lách Rung. Trong đó, địa phương xác định việc sáp nhập thôn Đồng Tâm với buôn Lách Rung là khó khăn nhất. Chị Nguyễn Thị Lành, một trong những đảng viên trẻ của thôn Đồng Tâm (nay là Trưởng buôn lâm thời buôn Lách Rung (tên buôn mới sau sáp nhập)) chia sẻ, do khác biệt về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, ngôn ngữ giữa thôn phần lớn là người Kinh và một buôn chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy việc sáp nhập cũng gặp không ít trở ngại. Thời điểm được Ban tự quản buôn thông báo về việc sáp nhập buôn Lách Rung và thôn Đồng Tâm, bản thân chị cũng thấy bối rối. Song khi được cán bộ thôn tuyên truyền, giải thích, là một đảng viên trẻ chị đã hiểu được ý nghĩa thiết thực của việc sáp nhập thôn, buôn. Tháng 12/2021, việc sáp nhập thôn Đồng Tâm và buôn Lách Rung hoàn thành, được người dân đồng thuận cao, chị được tin tưởng giao làm Trưởng buôn lâm thời của buôn mới.

Người dân thôn 5, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) ổn định sản xuất sau khi sáp nhập.

Tinh giảm trên 3.000 cán bộ không chuyên trách

Theo quy định, cấp thôn, TDP không phải là đơn vị hành chính mà phải hoạt động theo cơ chế tự quản, nhưng lâu nay, nhiều nơi vẫn xem đó như một đơn vị hành chính, dẫn tới số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP ngày càng "phình" ra mà ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được. Vì vậy, việc thực hiện sắp xếp lại quy mô thôn, TDP là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Thực hiện chủ trương này, các địa phương trong tỉnh đã rà soát, xây dựng phương án, thực hiện quy trình sắp xếp, sáp nhập thôn, buôn, TDP không đạt tiêu chí theo quy định.

 

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 2.199 thôn, TDP; các đơn vị này cũng đã kiện toàn cấp ủy, ban tự quản, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng kiêm nhiệm, mỗi thôn, TDP không quá 3 người theo quy định.

Đơn cử như ở huyện Lắk, theo thống kê của UBND huyện, địa phương có 124 thôn, buôn, TDP. Thực hiện Nghị quyết số 35 và Nghị quyết số 42 (đợt 3) của HĐND tỉnh, huyện Lắk có 14 buôn và 1 thôn phải sáp nhập. Chỉ sau một thời gian ngắn, địa phương đã hoàn thành việc sáp nhập bảo đảm đúng nguyên tắc công khai, dân chủ, được đa số cử tri của thôn, buôn có liên quan đồng thuận. Đặc biệt, việc sáp nhập còn bảo đảm các yếu tố có vị trí địa lý liền kề nhau; giao thông thuận lợi; có lịch sử, truyền thống văn hóa cộng đồng… Điều quan trọng nữa là sau sáp nhập, địa phương đã giảm được 15 thôn, buôn với 75 cán bộ không chuyên trách.

Tương tự, huyện Ea Kar trước khi sáp nhập có 238 thôn, TDP, sau khi sáp nhập, giải thể và thành lập thôn mới, trên địa bàn huyện còn 220 đơn vị; giảm được 12 thôn, 3 buôn và 3 TDP và 90 người hoạt động không chuyên trách. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Ea Kar, việc sáp nhập đã giảm được thôn, TDP có quy mô nhỏ, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương và xu thế phát triển của xã hội. Cùng với việc sáp nhập, việc kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP đã làm giảm được số lượng lớn người hoạt động không chuyên trách; tập trung đầu mối giải quyết công việc; đồng thời, tập trung được nhân dân, tạo sức mạnh trong nhân dân và xây dựng được các hoạt động, phong trào đoàn kết tại địa phương chất lượng hơn.

gười dân thôn mới - thôn Tân Hợp (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ) vệ sinh đường làng ngõ xóm sau khi nháp nhập từ 3 thôn Tân Lập, Tân Hòa và Tân Tiến.

Theo tổng hợp của Sở Nội vụ, trước khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh có 2.481 thôn, TDP, với 27.291 cán bộ không chuyên trách. Sau 3 đợt thực hiện sáp nhập (giai đoạn 2019 - 2021) đã giảm được 282 thôn, TDP và giảm được 3.102 cán bộ không chuyên trách. Giảm số lượng thôn, TDP, giảm cán bộ không chuyên trách đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng ngân sách hằng năm. Cụ thể, theo Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND, ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh về quy định chức danh, số lượng, hệ số phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, TDP và sinh hoạt phí đối với một số chức danh cán bộ cơ sở thì mỗi thôn, TDP có 11 chức danh được hưởng phụ cấp, sau sáp nhập thì mỗi năm ngân sách tỉnh giảm được khoảng 25,2 tỷ đồng (tương đương mỗi thôn giảm 89,4 triệu đồng/năm). Đến đầu năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 20/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (thay thế Nghị quyết 33) chỉ còn lại 3 chức danh gồm bí thư, trưởng thôn và trưởng ban công tác Mặt trận được hưởng phụ cấp. Như vậy, với 282 thôn, TDP giảm đi sẽ giảm được gần 18,4 tỷ đồng/năm (giảm trên 65,6 triệu đồng/năm/thôn).

Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, việc sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn các huyện, thị, thành phố đã giảm được kinh phí chi cho các chức danh. Bên cạnh đó, việc sáp nhập đã tăng quy mô số hộ và nhân khẩu, dễ lựa chọn nhân sự cho các chức danh, qua đó nâng cao chất lượng cán bộ của thôn, TDP. Đồng thời, đã tăng số đảng viên trong chi bộ, hội viên của các đoàn thể, vì vậy việc sinh hoạt sẽ chất lượng hơn, các phong trào, hoạt động sôi nổi hơn.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Trăn trở… chuyện quản lý

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.