Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri Đắk Lắk trước Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV

08:35, 19/08/2022

LTS: Trước Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri, tổng hợp nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội theo quy định; đồng thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Theo đó, những nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk trước Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã được các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Báo Đắk Lắk xin giới thiệu trích lược nội dung trả lời kiến nghị của cử tri.

1. Cử tri kiến nghị nghiên cứu chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe máy sang hình thức tự nguyện, không ép buộc, để đảm bảo quyền lợi của người dân. Vì trên thực tế hiện nay, bắt buộc chủ xe mô tô, xe máy phải mua bảo hiểm, nhưng khi xảy ra tai nạn và đề nghị chi trả bảo hiểm thì công ty bảo hiểm nhũng nhiễu, gây khó khăn, thủ tục rườm rà khiến người mua bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm. Đồng thời xem xét lại quy định việc công an giao thông xử phạt người tham gia giao thông khi không mua bảo hiểm mô tô, xe máy.

Bộ Giao thông vận tải trả lời: Về kiến nghị “nghiên cứu chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe gắn máy sang hình thức tự nguyện, đồng thời xem xét lại quy định việc công an giao thông xử phạt người tham gia giao thông khi không mua bảo hiểm ô tô, xe máy”: Tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Đắk Lắk, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, bộ ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.

Về kiến nghị “khi xảy ra tai nạn và đề nghị chi trả bảo hiểm thì công ty bảo hiểm nhũng nhiễu, gây khó khăn, thủ tục rườm rà khiến người mua bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm”: Đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk xác định công ty bảo hiểm đã gây nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người mua bảo hiểm trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm và chuyển kiến nghị đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết theo thẩm quyền.

Khu vực chợ Trung Hòa (huyện Cư Kuin) bị ngập cục bộ sau một vài cơn mưa lớn. Ảnh: Hồng Chuyên

2. Cử tri đề nghị sớm có biện pháp khắc phục và hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa một số đoạn đường bị hư hỏng nặng trên Quốc lộ (QL) 27 đi qua địa phận thôn 1, thôn 2 khu vực chợ Trung Hòa, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Bộ Giao thông vận tải trả lời: Việc sửa chữa một số đoạn đường hư hỏng nặng trên QL 27, đoạn qua khu vực chợ Trung Hòa, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk có lý trình từ Km10+000 - Km15+500: Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), năm 2019 Bộ Giao thông vận tải đã bố trí 11,863 tỷ đồng và giao cho Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk làm chủ đầu tư Dự án sửa chữa hư hỏng cục bộ nền, mặt đường, gia cố lề và thảm bê tông nhựa toàn bộ mặt đường Bm=7,5 m. Dự án nêu trên đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2020 và đang trong thời gian bảo hành. Hiện nay đoạn từ Km10+000 – Km15+500 mặt đường tốt và khai thác bình thường, đoạn tuyến cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, an toàn giao thông. Trong thời gian bảo hành công trình, nếu mặt đường phát sinh hư hỏng, Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk sẽ yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục để đảm bảo khai thác tuyến đường êm thuận, an toàn giao thông.

Để khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ đoạn tuyến QL 27 qua khu vực chợ Trung Hòa, huyện Cư Kuin (đoạn từ Km9+400 – Km11+100) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng cục ĐBVN khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư sửa chữa đoạn tuyến QL 27 bị ngập úng cục bộ nêu trên để triển khai trong kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2023.

3. Cử tri đề nghị có hướng dẫn cụ thể ngân sách được cấp bù phần chênh lệch đối với diện tích rừng có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng thấp hơn mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo định mức để hỗ trợ cho công ty hiện đang gặp rất nhiều khó khăn (nợ lương và bảo hiểm đối với người lao động).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Hiện nay, pháp luật về lâm nghiệp chưa có quy định chủ rừng đã được hưởng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng thì không được hưởng kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách nhà nước theo các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện hành.

Đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện các cơ chế, chính sách cân đối, bố trí, lồng ghép, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp, các quy định hiện hành.

4. Cử tri đề nghị cụ thể hóa các quy định pháp luật về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; nghiên cứu có chính sách đặc thù cho các ứng cử viên trúng tuyển vào các chức danh như: chính sách tiền lương nhằm thu hút những người giỏi, xuất sắc tham gia thi tuyển và tạo động lực, giúp cho công chức, viên chức yên tâm làm việc ở vị trí công tác.

Bộ Nội vụ trả lời: Theo Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ được giao tiến hành tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” vào quý IV/2022. Theo đó, ngày 11/5/2022, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 1917/BNV-CCVC đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương trong diện thực hiện thí điểm tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nội vụ để tổng hợp, tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Lan Anh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.