Bước chân trên dải Trường Sơn
Nếu có một tuyến đường ghi dấu ấn sâu sắc nhất lên lịch sử kháng chiến vệ quốc của dân tộc thì đó chính là con đường mòn Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn. Ngày 19/5/1959 được coi là ngày truyền thống của con đường lịch sử, nhưng thật ra khởi thủy của nó là con đường thượng đạo xuyên suốt dặm dài lịch sử…
Thuở ta qua không một dấu chân người…
Hơn 30 năm trước, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên chủ trương tập hợp lại tư liệu, hồi ức từ những cán bộ lão thành đã từng mở đường, công tác, chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Những năm đó vết dấu con đường còn rõ ràng, những người tham gia tập sách vừa ra khỏi cuộc chiến chưa lâu, ký ức còn tươi mới, vì thế tập sách “Đường mòn Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên” có những hồi ức vô cùng sinh động và cho thấy từ trong kháng chiến chống Pháp, đây đã là một tuyến đường sôi động.
Nhạc sĩ Trần Hoàn khi ấy đã góp vào tập sách bài hát “Đường rừng” của ông sáng tác từ năm 1948 viết về con đường xuyên Trường Sơn trong kháng chiến chống Pháp: “Trèo đèo Ba Rền, băng qua Nhã Nam, cho tôi nhắn đôi lời gửi về biên khu. Ai đi vô trong Nam, ai đi ra Việt Bắc, trường kỳ kháng chiến vững niềm tin..”. Sau này ông kể lại: “Năm 1948, khi tôi vượt Ba Rền, Liên U để vào chiến khu Trị Thiên, tôi đã sáng tác bài “Đường rừng”. Bài hát này nhanh chóng phổ biến ở khu Tư và khu Năm.
Ngày ấy tôi mới hai mươi tuổi, lứa tuổi đang hăm hở sung sức coi thường mọi vất vả, hiểm nguy. Có lẽ chính vì thế trước khi lên đường anh Nguyễn Chí Thanh còn ân cần dặn dò: “Muốn vào được Trị Thiên phải qua Liên U và Ba Rền, mà nên nhớ Ba Rền có nghĩa là “ba lần rên” đấy nhé. Chúng tôi phải vượt nhiều rặng núi dài, leo những đồi đốc đứng lởm chởm đá gan gà, trên lưng mỗi người còn phải gùi lương thực, thực phẩm (chủ yếu là gạo, muối, cá khô) đủ dùng từ mười đến mười hai ngày. Đêm đêm chúng tôi hái lá rừng rải làm giường mà ngủ, luôn luôn canh chừng thú dữ, lắng nghe tiếng vượn hú, tiếng chim từ quy gọi bạn càng thêm nhớ nhà, nhớ đến anh em. Đây chính là khởi điểm của con đường mòn kháng chiến…” (Trần Hoàn - Kỷ niệm về con đường mang tên Bác - 1992).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội Trường Sơn. |
Cũng chính nhạc sĩ Trần Hoàn, gần 20 năm sau đó, vào năm 1966 ông lại “đi B” vào Nam theo con đường Trường Sơn: “Chúng tôi được xe đưa đến Vĩnh Linh đất lửa, rồi từ đó hành quân bộ theo đường mòn, nhưng không phải như xưa, cũng không phải như thời kỳ đầu, “đi không dấu nấu không khói” mà là một con đường mới to lớn thực sự xuyên Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn vào Nam”.
Dấu vết hành trình bôn tẩu của nhà vua
Nhưng tuyến đường “thượng đạo” này thậm chí đã hình thành từ rất lâu trước kháng chiến chống Pháp. Bởi nhiều năm trước, nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng đã bất ngờ tìm thấy ở khu vực phía Tây Quảng Trị, trong những bản làng của đồng bào Vân Kiều nhiều bộ trang phục cung đình của triều Nguyễn, có cả Hoàng bào thêu rồng 5 móng mà căn cứ vào kích thước có thể suy đoán hoàng bào này vào tầm tuổi của vua Hàm Nghi trong những ngày rời kinh đô thất thủ, xa giá ra Tân Sở (Quảng Trị) để lập căn cứ kháng chiến, rồi từ vùng Cùa – Tân Sở, nhà vua cùng tùy tùng đã xuyên dọc tây Trường Sơn ra tận Quảng Bình, Hà Tĩnh…
Trên hành trình đó, những bộ trang phục, trong đó có cả hoàng bào của vua đã lưu lạc giữa những bản làng heo hút. Sau này anh Nguyễn Hữu Hoàng cho biết những người dân Vân Kiều sống ở Khe Sanh, các bản sát biên giới Việt Lào cho hay họ chỉ giữ lại như một bảo vật từ đời ông cha, không rõ những thành viên của đoàn tùy tùng nhà vua ngày ấy đã bán, cho hay tặng. Nhưng chắc chắn một điều những trang phục cung đình còn lưu dấu trên những bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn cho thấy những con đường xuyên Trường Sơn đã có từ xưa, gọi là “thượng đạo”, rồi từ công cuộc xuống chiếu Cần Vương kháng Pháp của vua Hàm Nghi từ cuối thế kỷ 19, con đường ấy dài ra theo kháng chiến 9 năm.
Đường Hồ Chí Minh hôm nay. |
Những con đường rừng thời kháng Pháp không chỉ xuyên qua khu vực Bình Trị Thiên, những đoàn công tác Trung ương từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc đều từng xuyên Việt trên tuyến đường băng qua núi đèo Trường Sơn. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã nhớ lại về chuyến đi xuyên Trường Sơn tròn một năm khi ông từ Bạc Liêu ra Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II: “Ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II xong, khi trở về Nam tôi cùng đoàn cuốc bộ mất một năm (ăn Tết 1951 ở Việt Bắc, ăn Tết 1952 ở Đồng Tháp Mười). Hồi đó tôi chưa hiểu lắm về địa lý Việt Nam nhưng từ chiến khu Việt Bắc (Sơn Dương, Tuyên Quang) về đến khu căn cứ Bạc Liêu (Cà Mau), tôi đã thuộc khá nhiều địa danh trên đường mòn và các tỉnh duyên hải khu IV, khu V, miền Trung và cả cực Nam Trung bộ. Qua từng chặng phải dừng một thời gian để chuẩn bị lương khô cho chặng tiếp theo, ngoài ra phải dừng lại do địch hành quân phục kích. Bấy giờ bom pháo không dữ dội như hồi chống Mỹ nhưng anh chị em phải chiến đấu một cách lặng lẽ trong thiếu ăn, thiếu thuốc, nhất là thuốc sốt rét, lại thường xuyên chống địch đốt phá, bảo vệ mạch máu giao thông và bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ đi qua. Bấy giờ lương thực có được chủ yếu dành cho khách, còn anh chị em thì sống vô cùng gian khổ. Tôi nghĩ mình đi như thế này đã là gian khổ lắm, nhưng các chiến sĩ giao liên chỉ có một lon bắp rang, phải chia bữa ra ăn, ăn với rau rừng nấu cùng nước lã…” (Ấn tượng Võ Văn Kiệt, NXB Trẻ, 2004).
Không biết ký ức về con đường ông xuyên qua thời tuổi trẻ ấy đã ảnh hưởng thế nào đến chuyện sau này, khi ở cương vị Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã ký quyết định mở đường Hồ Chí Minh giai đoạn công nghiệp hóa.
Lịch sử tiếp nối
Lịch sử luôn là sự tiếp nối và không có gì ngẫu nhiên. Từ con đường bôn tẩu của vua Hàm Nghi (hoặc có thể sớm hơn thế), rồi dài tới cuộc kháng chiến chống Pháp, những lối mòn của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong chập chùng rừng núi đã khởi đầu cho sự kỳ vĩ của một tuyến đường chằng chịt hàng vạn ki lô mét về sau. Và sẽ rất khó hình dung rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ sẽ giành thắng lợi nếu không có con đường Trường Sơn huyền thoại này!
Giờ đây, đi từ Đông Hà lên Lao Bảo, quãng đường từ Km 41 đến Km 47 của đường 9 có thể thấy dọc các cây cầu nhỏ bắc qua các khe suối luôn có thêm một tấm biển đề: “Di tích lịch sử - điểm vượt đường 9 của đường mòn Hồ Chí Minh”. Có rất nhiều điểm vượt như thế, bởi muốn đưa hàng vào Tây Thừa Thiên, vào khu V chỉ có cách phải vượt qua tuyến đường 9, phải bằng mọi giá đi xuyên qua phòng tuyến được bố trí vô cùng cẩn mật. Những khe suối lặng lẽ dưới chân những chiếc cầu trên đường 9 đã góp phần đưa đoàn quân bí mật vượt qua những nút thắt hiểm nghèo trên hành trình vận tải buổi ban đầu.
Thiếu tướng Võ Bẩm, thời điểm năm 1959 là thượng tá, Cục trưởng Cục Nông trường quân đội ghi lại ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ trong hồi ký “Mở đường Trường Sơn”: “Hôm ấy, đúng ngày sinh nhật Bác, 19/5/1959. Tôi đang đi dọc phố Phan Đình Phùng ở Hà Nội thấy rợp cờ biểu ngữ và tiếng hát ca ngợi Bác. Tôi đến nơi làm việc của Cục Nông trường thì đồng chí trực ban báo có điện thoại của Văn phòng Quân ủy Trung ương sang ngay gặp Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất kiêm thường trực Ủy ban Quân ủy Trung ương là tướng Nguyễn Văn Vịnh. Khi tôi đến, anh Vịnh nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: “Việc này không phải do Quân ủy giao mà do Bộ Chính trị đã chỉ đích danh đồng chí. Tôi thay mặt Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí tổ chức mở đường giao thông quân sự đặc biệt, để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, tạo những điều kiện cho miền Nam thực hiện Nghị quyết 15”. Tôi vội vàng mở cặp lấy sổ tay để ghi chép chỉ thị nhưng anh Vịnh xua tay và nói tiếp: “Cố nhập tâm, không được ghi chép. Tôi nhắc luôn điều này: Từ nay tất cả các công việc của đồng chí không được ghi chép…”.
Câu chuyện của tuyến đường 559, một huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bắt đầu từ một buổi sáng tháng 5 như thế. “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” hình thành do ông Võ Bẩm đích thân xuống các nông trường mà ông từng phụ trách để tuyển chọn những người có năng lực thực hiện nhiệm vụ này, mà trước hết đó là những anh em rành rẽ địa bàn vùng núi liên khu V, và trên tất cả là tinh thần xả thân, tuyệt đối trung thành, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Sư đoàn 305, vốn là sư đoàn quân đội của khu V đóng quân tại Phú Thọ đã tuyển chọn ra 447 người để thành lập tiểu đoàn đầu tiên phục vụ kế hoạch vận tải cho chiến trường miền Nam bằng cách xuyên rừng Trường Sơn lấy tên là Tiểu đoàn 301.
Từ những người mở đường năm 1959 ấy, đến ngày thắng lợi cuối cùng, 30/4/1975, đường Trường Sơn là một biên niên bi hùng về cuộc kháng chiến thần thánh giành độc lập - tự do. Giờ đây, đường Hồ Chí Minh thời hiện đại đang hoàn thành tiếp hai nhiệm vụ: Ấm no - Hạnh phúc.
Nhiều lần đi đi về về trên con đường thênh thang hôm nay, qua những cánh rừng, những địa danh đã tạc vào sử sách, không thể không tri ân bước chân của những người mở đường.
Lê Đức Dục
Ý kiến bạn đọc