Đắk Lắk trong mùa thu tháng Tám 1945
Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Đảng bộ tỉnh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk vào ngày 24/8/1945, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại - mở ra một trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.
Tháng 5/1945, dưới sức ép của dư luận trong nước và nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh của quần chúng, của tù nhân khắp các nhà lao, nhà đày, Chính phủ Trần Trọng Kim đã ra sắc lệnh ân xá tù chính trị. Cùng với các nơi trong cả nước, nhiều cuộc đấu tranh của các giới đồng bào thị xã Buôn Ma Thuột đòi thả tù chính trị nổ ra với quy mô rộng lớn chưa từng có, buộc chính quyền thân Nhật phải mở cửa nhà đày Buôn Ma Thuột và thả tù chính trị.
Các chiến sĩ cộng sản được tự do chia nhau đi khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức diễn thuyết, tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia Việt Minh, giải thích cho đồng bào thấy rõ kẻ thù trực tiếp của nhân dân ta lúc bấy giờ là phát xít Nhật và Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là tay sai của chúng, vạch trần chân tướng của chiêu bài độc lập giả hiệu, kêu gọi mọi người đứng lên đánh Nhật, lật đổ chính phủ bù nhìn. Chỉ trong vòng nửa tháng, phong trào Việt Minh ở Đắk Lắk có bước phát triển nhảy vọt. Hơn 200 người ở thị xã và các đồn điền đã tham gia Việt Minh, trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào khởi nghĩa ở địa phương. Các tổ chức Việt Minh như Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Công chức cứu quốc… được phát triển mạnh mẽ ở thị xã, các đồn điền, nông thôn, đặc biệt ở đồn điền CADA, CHPI, xã Lạc Giao, Lạc Sa...
Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk năm 1945. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đắk Lắk) |
Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh vô điều kiện. Tình thế cách mạng trực tiếp ở tỉnh đã xuất hiện. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh triệu tập hội nghị và quyết định chuẩn bị gấp rút tiến hành khởi nghĩa toàn tỉnh. Ngày 17/8/1945, sau khi được tin huyện Vạn Ninh và một số xã huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã khởi nghĩa thắng lợi, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk chủ trương tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA. Tại đây, Lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh lần đầu tiên được công bố trước quần chúng. Sự ảnh hưởng của khởi nghĩa đồn điền CADA và một loạt đồn điền và buôn làng dọc đường 26 (nay là Quốc lộ 21) tạo ra khí thế phấn khởi lớn trong nhân dân, thúc đẩy phong trào cách mạng của cả tỉnh lên cao, khí thế khởi nghĩa sôi sục ở cả khu vực nông thôn và thị xã.
Sáng 21/8/1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp Hội nghị mở rộng, quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã vào ngày 24/8/1945. Tối 23/8/1945, truyền đơn của Việt Minh xuất hiện ở thị xã kêu gọi quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
15 giờ ngày 24/8/1945, cuộc mít tinh giành chính quyền được tổ chức trọng thể tại sân vận động thị xã. Đây là cuộc tập hợp biểu dương lực lượng của các tầng lớp quần chúng nhân dân đến hoan nghênh và chào mừng chính quyền cách mạng tỉnh. Tham dự mít tinh có lực lượng vũ trang của các đồn điền, nhân dân lao động trong thị xã và các xã Lạc Giao, Lạc Sa, thanh niên, học sinh, viên chức, nhân sĩ trí thức các dân tộc và toàn bộ lực lượng bảo an binh có vũ trang với khoảng 500 binh lính. Đặc biệt, có sự tham gia của khoảng 3.000 đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông, J’rai từ các buôn làng ven thị xã. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cao trước khán đài, đỏ rực cả sân vận động, phấp phới trên cột cờ các công sở, các đường phố, trên nhiều mái nhà... Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành của quần chúng qua các đường phố trong thị xã. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các dân tộc ở Đắk Lắk thành công rực rỡ. Bộ máy chính quyền bù nhìn ở các địa phương bị tê liệt hoàn toàn. Cuối tháng 8/1945, chính quyền cách mạng được thiết lập ở hầu hết các huyện, tổng và các buôn làng trong tỉnh.
Tổng khởi nghĩa ở Đắk Lắk thành công là một mốc son chói lọi, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với phong trào cách mạng ở địa phương, góp chung vào thắng lợi của cách mạng cả nước, đánh dấu cuộc đổi đời chưa từng có trong cộng đồng và mỗi người dân Đắk Lắk. Đã 77 năm trôi qua song bài học năm xưa khởi nghĩa giành chính quyền vẫn được vận dụng và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, nhất là về tính chủ động, sáng tạo tập hợp lực lượng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, thống nhất, quyết liệt hành động trong giành chính quyền, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng. Sức mạnh quật khởi và truyền thống cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đắk Lắk trong Cách mạng Tháng Tám của thế kỷ 20 đã và đang tiếp tục được khơi dậy trong thế kỷ 21, từng bước phấn đấu với mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Mục tiêu ấy, khát vọng ấy, cũng như mục tiêu và khát vọng từ mùa thu tháng Tám năm xưa vậy, nhất định sẽ trở thành hiện thực...
Đinh Duy Linh
Ý kiến bạn đọc