Khát vọng biên cương... (Kỳ 2)
Kỳ 2: Sỏi đá cũng thành… cơm
Không thể tưởng tượng chỉ có đôi tay và những công cụ vô cùng thô sơ, nhưng vùng đất khô cằn, đá sỏi lại có thể được thuần hóa thành những cánh đồng, vựa lúa và những địa danh du lịch nức tiếng. Sỏi đá cũng thành… cơm là câu chuyện cảm phục về sự đồng lòng, chung sức để nói không với thách thức ngàn cân, tưởng chừng không thể vượt qua ở miền biên viễn Ea Súp, Buôn Đôn.
Giai đoạn đầu mới thành lập, cùng với sự quấy nhiễu, chống phá của FULRO, bài toán xóa đói của các huyện vùng biên ở Đắk Lắk rất hóc búa khi đây đều là địa bàn khắc nghiệt, không thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu.
Gieo sức sống lên sỏi đá
“Đói kinh niên”, đó là cụm từ mà những cán bộ và người dân nhắc đến khi nhớ về thuở đầu khai sinh Ea Súp (gồm cả một phần huyện Buôn Đôn bây giờ). Cấp ủy, UBND huyện có nhiều cuộc họp chuyên đề chỉ bàn về 7 chữ: “Đất này có làm ăn được không”. Không ít ý kiến cho rằng phát triển kinh tế vùng này sẽ trở thành vùng sa mạc hóa. Thậm chí lại có tranh luận nảy lửa rằng: Đắk Lắk có nhiều tiềm năng đất đai, chỗ dễ không làm mà lại chọn chỗ khó. Tuy nhiên, Ea Súp là vùng có vị trí chiến lược quan trọng nên tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.
Ngay từ năm đầu mới thành lập, chính quyền huyện tổ chức thí điểm nhiều lần với cây lúa nước như mở cánh đồng Đoàn 2,3,5. Ban đầu kiểm tra độ dày canh tác, cày sâu 10 cm gặp sỏi đá; đưa nước vào sản xuất lúa vài vụ, tiến hành cày đào sâu tới 20 cm thì lúa lại tốt. Thực tiễn kiểm chứng đó đã khẳng định Ea Súp có thể trở thành vùng trồng lúa.
Tuyến kênh chính Đông bắt nguồn từ hồ Ea Súp hạ, ghi dấu ấn một thời tham gia xây dựng kinh tế của lực lượng thanh niên xung phong. Ảnh: Phan Ba |
Tìm được đáp án cho câu hỏi 7 chữ ấy, Đảng bộ liên tục phát động nhân dân tích cực khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, xây dựng cánh đồng định canh, thâm canh. Nhiều trung đoàn thanh niên xung phong được tăng cường vào Ea Súp. Các trung đoàn thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là: “Mở rộng công trường khai hoang trồng cây lương thực huyện Ea Súp”. Trong 4 năm 1976 - 1980, hơn 6.000 cán bộ và thanh niên xung phong lao động tiền trạm, khai phá trên 5.000 ha đồi rừng và sình lầy thành vùng trồng rau màu, trong đó có trên 800 ha thành vùng trồng lúa nước.
Các trung đoàn chủ yếu bằng lao động thủ công đã tập trung đắp đập hình thành hồ Ea Súp hạ có sức tưới 600 ha lúa và hoa màu. Ngoài ra còn khai hoang 1.365 ha, đào kênh cấp I và II từ hồ vào Ea Bung qua ống xi fông sang Ea Lê. Có nước, việc sản xuất đúng là “nắng hạn gặp mưa rào”.
Ea Lê dần trở thành xã điểm về sản xuất nông nghiệp, khẳng định khả năng “bén duyên” của cây lúa nước ở Ea Súp. Ông Hồ Giác, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Lê nhớ lại: Những năm 1980, chi bộ đầu tiên được thành lập chỉ với 3 đảng viên. Ngày đó, ông tham gia phụ trách Hội Thanh niên. Thanh niên tham gia chặt tre, cắt cỏ tranh giúp dân làm nhà, tu sửa các lán trại xiêu vẹo để ở tạm. Giải quyết được vấn đề về chỗ ở, Hội Thanh niên còn tìm cách giúp người dân thích ứng với thời tiết khắc nghiệt của vùng “chảo lửa” Ea Súp, hỗ trợ bà con phát rẫy, tu sửa kênh mương, làm công trình thủy lợi, trồng lúa nước. Vụ đông xuân năm 1980 - 1981, Ea Lê gieo cấy 30 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 90 tấn, đến vụ hè thu năm ấy, toàn xã gieo cấy được 59 ha, năng suất đạt 42 tạ/ha. Chưa đầy 1 năm, diện tích, năng suất gieo trồng đã phát triển, tăng gần 1,5 lần.
Ghi nhận ý chí tuyệt vời của quân dân ở một huyện biên giới đầy khó khăn, chỉ thời gian ngắn sau khi thành lập huyện, ngày 28/10/1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào thăm tỉnh Đắk Lắk đã gửi thư khen ngợi Đảng bộ huyện Ea Súp và lực lượng thanh niên xung phong. Bức thư của Đại tướng gửi “Anh chị em vùng kinh tế mới Ea Súp” thể hiện tình cảm thắm thiết của Đại tướng đối với đồng bào Ea Súp.
Đất nghèo xóa đói và làm du lịch
Sau giải phóng, hình thức sản xuất phổ biến của đồng bào khu vực biên giới vẫn là “phát, đốt, chọc, tỉa”.
Ông Phùng Văn Bửu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp; nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Buôn Đôn nhớ lại: “Phương thức sản xuất du canh du cư, hệ thống thủy lợi, mương máng không có, đời sống người dân đói kém, vất vả, trình độ dân trí rất lạc hậu. Đồng bào vẫn ở trần, đóng khố, ăn uống dùng nước suối. Không có Đảng thì đồng bào không thể có được như ngày hôm nay. Vai trò lãnh đạo của Đảng trước sau đều phải khẳng định là hạt nhân chính trị, mọi thắng lợi của cách mạng nói chung và đồng bào Buôn Đôn nói riêng đều dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong những ngày khó khăn khi mới giải phóng, Đảng đã chỉ đạo lực lượng Lâm trường Rừng Xanh, đưa các trung đoàn thanh niên xung phong vào khai hoang, làm kinh tế, vừa giữ biên giới vừa tạo tiền đề cần thiết về kinh tế. Từ sự đồng lòng, hợp sức của các lực lượng đã đào mương, đắp đập, công trình thủy lợi Nà Xược, Ea Mar được hình thành. Tình trạng du canh du cư dần được xóa bỏ, 1 năm sản xuất 2 vụ, tuy diện tích chưa được nhiều nhưng giải quyết khó khăn bước đầu”.
Du lịch cầu treo Buôn Đôn khởi nguồn từ ý tưởng của nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Krông Na Y Ka Byă (người đi đầu tiên). |
Thế hệ những người ngày đó không ai nghĩ có Ea Súp như bây giờ, có đường như thế, có điện như thế, có cơ sở hạ tầng như thế. Đây là một sự phát triển, minh chứng sự đấu tranh, mất mát, hy sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân của lớp lớp cán bộ. Nhìn lại càng thấy tự hào, trách nhiệm và niềm tin của mình vào chủ trương của Đảng”. Ông Phạm Tấn Bê, nguyên Bí thư Huyện ủy Ea Súp
|
Trong lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất Buôn Đôn huyền thoại, xã Krông Na là một địa danh mang nhiều dấu ấn của vùng đất này. Ai có thể ngờ rằng, vùng đất hoang vu chỉ có cây rừng và những người dân từng mưu sinh bằng săn bắn thú rừng lại trở thành địa phương biết làm du lịch.
Gắn bó với Krông Na từ thuở khai sinh, ông Y Ka Byă, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Krông Na thấm thía những thử thách, gian khó, để rồi cũng cảm nhận rõ hơn sự khởi sắc nơi vùng biên thiêng liêng này. Năm 1997, ông làm Chủ tịch UBND xã Krông Na. Lúc ấy, nghe tin cả vợ con và họ hàng ông đã khóc, khóc vì lo cho ngổn ngang chông gai trước mắt mà ông phải đối diện khi đảm nhận vai trò người đứng đầu chính quyền địa phương. Ấy là cái đói triền miên, nhà nào cũng đói, người dân gần như chưa biết trồng trọt, chăn nuôi, để có cái ăn chủ yếu đi săn bắn. Việc sử dụng súng săn bắn nhức nhối đến mức gây mất an ninh chính trị trên địa bàn.
“Làm cách mạng phải tâm huyết hết mình với dân”, với suy nghĩ ấy ông Y Ka dùng tiền lương Chủ tịch xã của mình trích ra mua mì tôm, cá khô cho những hộ gia đình khó khăn. Cũng bởi gần dân, sâu sát với dân mà trên địa bàn có 13 dân tộc sinh sống thì ông đã nói được 7 thứ tiếng: Lào, Êđê, Gia Rai, Campuchia, M'nông, Kinh và Dao. Ông tuyên truyền, vận động bà con không nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà; canh tác lúa nước… Nhiều nông dân chỉ quen với làm nương, làm rẫy được ông bồi dưỡng trở thành những trưởng buôn, đảng viên gương mẫu nhiệt huyết.
Cũng ít ai biết rằng du lịch cầu treo Buôn Đôn nổi tiếng là khởi nguồn ý tưởng của ông ngay sau khi về công tác tại xã 1 năm. Thấy cảnh rừng, cây cối sông suối khu vực buôn Trí đẹp, ông đưa ý tưởng ra bàn bạc với tập thể cấp ủy chính quyền xã và nhận được sự đồng thuận. Người dân đi chặt mây, chặt gỗ cùng hợp sức về làm cầu treo du lịch, qua đó giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên, bà con đem đặc sản ra bán cho du khách cũng có thêm đồng ra đồng vào. Sau khi quy mô và lượng khách không ngừng tăng, để bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác, công trình được bàn giao về cho cấp trên khai thác và đầu tư.
Kinh tế - xã hội Buôn Đôn vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh. Nhưng với những chứng nhân thời kỳ vạn sự khởi đầu nan như ông Phùng Văn Bửu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp; nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Buôn Đôn thì cuộc sống của người dân ở vùng biên này cũng đã có sự thay đổi toàn diện và ngỡ ngàng. Lắc lư thích thú với cầu treo Buôn Đôn hôm nay càng ngạc nhiên khi chuyện tìm cách làm du lịch khởi nguồn từ ngày đất nghèo hoang sơ, đồng bào còn ở trần, uống nước suối ấy. Nhắc lại một thuở để nhớ đến những con người một thời khí phách, tràn đầy nhiệt huyết dưới sự chỉ lối, soi đường từ những chủ trương, quyết sách mang tầm chiến lược của Đảng đã góp sức dựng xây vùng đất biên cương vững vàng đi lên từ trong gian khó.
(Còn nữa)
Kỳ 3: “Thợ đụng” ở biên giới
Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc