Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng Tuyên ngôn độc lập!

05:33, 02/09/2022

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ý thức về chủ quyền dân tộc không ngừng được hun đúc và phát triển mạnh mẽ theo thời gian.

Mỗi khi đất nước đứng trước họa ngoại xâm, truyền thống đó, ý thức đó lại có dịp bùng phát mạnh mẽ, là sức mạnh, động lực để các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, đứng lên chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù, giành lại chủ quyền của dân tộc.

Cùng với truyền thống đó, nhìn lại lịch sử, dân tộc Việt Nam đã từng có những bản Tuyên ngôn độc lập đanh thép và hào hùng, hết sức thiêng liêng, là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Mùa xuân năm 1077, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” bất hủ của Lý Thường Kiệt đã vang lên bên bờ phòng tuyến sông Như Nguyệt, khiến kẻ thù phải kinh động, khiếp sợ: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!". Những lời khẳng định đanh thép, hùng hồn đó được xem như là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử của dân tộc ta. Biên giới nước Nam và đất Bắc vốn đã phân định rạch ròi, nước Nam thì đã có vua Nam ở. Kẻ thù nào xâm phạm thì tất yếu sẽ phải chuốc lấy thất bại. Và rõ ràng như vậy, cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của quân dân Đại Việt đã hoàn toàn thắng lợi. Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã khẳng định, người dân Đại Việt làm chủ đất nước của mình và hoàn toàn có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Gần 400 năm sau, tháng Giêng năm 1428, khởi nghĩa Lam Sơn đã dẹp tan giặc Minh. Lê Lợi lên ngôi vua và đã cử Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, bố cáo cho toàn dân được biết về sự nghiệp kháng chiến thành công của nghĩa quân Lam Sơn và nêu lên khát vọng xây dựng đất nước thái bình thịnh trị: “… Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc, Nam cũng khác/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương…”. Một lần nữa, Nguyễn Trãi đã nhắc lại tư tưởng của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo đã được mệnh danh là áng thiên cổ hùng văn, được xem như là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam lại đứng lên làm chủ vận mệnh của mình bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước hàng triệu quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bằng những lập luận chặt chẽ và lý lẽ đanh thép, bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do.

Bác bỏ tất cả những luận điệu xảo trá của bọn thực dân, đế quốc, Người đã khẳng định sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam sau hơn 80 năm bị đọa đày bởi ách thống trị của thực dân tàn bạo, đã tự đứng lên giành độc lập, tự do cho dân tộc mình: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và Người đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Cách mạng tháng Tám thành công và bản Tuyên ngôn độc lập là một mốc son lịch sử, đánh dấu bước chuyển từ chế độ nô lệ sang kỷ nguyên con người làm chủ vận mệnh của mình, đánh dấu một thời kỳ hoàn thành cách mạng dân tộc, độc lập dân chủ và tự do cho nhân dân.

77 năm trôi qua, cả dân tộc Việt Nam, mỗi khi đến dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 lại dấy lên niềm vinh dự, tự hào khi được sống trong một đất nước độc lập, tự do và nguyện đem hết “tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Điều đó đã được chứng minh ngay trong thực tế hiện nay, mỗi khi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bị các thế lực ngoại bang xâm phạm, mọi người dân Việt Nam luôn sẵn sàng đứng lên, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, sát cánh cùng với Đảng, Nhà nước quyết tâm giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.