Khát vọng biên cương… (Kỳ 3)
Kỳ 3: “Thợ đụng” ở biên giới
Đã quá đỗi quen thuộc với hình ảnh các chiến sĩ quân hàm xanh trên những cung đường tuần tra, chắc tay súng bảo vệ biên giới. Chúng tôi còn gặp các anh trong vai trò khác với một biệt danh thân thương, hóm hỉnh mà người dân nơi đây dành tặng riêng cho người lính biên phòng, ấy là: những “thợ đụng”.
Ở vùng biên giới xa xôi, đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống nhân dân, không thể thiếu các anh – những người lính biên phòng. Dấu ấn của các anh không chỉ có trong câu chuyện phát triển kinh tế, trồng cây gì, nuôi con gì mà cảm động ở cả nghĩa tình, sự gắn bó, sẻ chia với những buồn vui, trở ngại trong cuộc sống của người dân vùng biên.
“Kỹ sư” cây con mặc áo lính
Đại úy Phạm Văn Tiến (Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Ia R’vê) chia sẻ cho chúng tôi về khởi nguồn của biệt danh “thợ đụng” rằng: Cuộc sống người dân miền biên viễn còn muôn vàn khó khăn. Ngoài việc chắc tay súng bảo vệ biên cương, người đảng viên biên phòng “gánh” rất nhiều vai trò, phần việc. Bất cứ việc gì, khi nào, hễ người dân cần, dân gọi là có mặt. Nhưng để giúp dân, không phải cái gì bộ đội cũng biết. Mà không biết thì phải học. Sự học do đó như “thợ đụng” - đụng đâu học đó - học để hướng dẫn lại cho bà con.
Chính nhờ chịu khó học, anh trở thành “thợ đụng” được người dân tin tưởng - đụng đâu cũng làm và đụng đâu... cũng được việc. Như “kỹ sư” chữa bệnh cho cây trồng, vật nuôi, anh là chỗ dựa tin cậy cho bà con trong sản xuất. Khi người dân trồng dừa, bị sâu bọ tấn công, làm cây chậm phát triển, kém quả, họ tìm đến anh để được chỉ cách treo chai muối lên các thân dừa, chăm sóc cây hoặc bôi thuốc chữa trị phù hợp. Với vật nuôi như dê chẳng hạn, nhìn vào, anh cũng dày kinh nghiệm mà “bắt bệnh” ngay, đâu là bệnh chướng bụng đầy hơi, viêm phổi, đâu là bệnh sốt sữa, đau mắt... để điều trị.
Cán bộ đảng viên Đồn Biên phòng Ia R’vê hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân. |
Bám sát phương châm “Cầm tay chỉ việc, bộ đội làm trước, dân làm theo”, Thiếu tá Phạm Xuân Thủy (Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia R’vê) kể: Anh cùng đồng đội dành nhiều thời gian nghiên cứu về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, tìm cây, con phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này, rồi tìm học trên mạng, sách báo; cái gì chưa hiểu thì chụp ảnh lại trên điện thoại, tìm đến học hỏi từ những người làm nông nghiệp lâu năm, sau đó mày mò, tiến hành làm các mô hình mẫu cho đến khi nào thành công thì mới triển khai cho người dân. Anh nói vui: “Ở khí hậu khắc nghiệt này, phải lựa chọn và thuần cho được cây trồng chịu “chảo lửa”, chó thì phải tập cho ăn đá, gà phải chịu ăn sỏi thì mới mong sống được”.
Tin tưởng vào những “kỹ sư” áo lính sâu sát địa bàn, lời nói đi đôi với việc làm, người dân rất đồng thuận, ủng hộ, ra sức làm lụng để cải thiện thu nhập. Nhờ khởi đầu bằng mô hình nuôi vịt trời kết hợp trồng cây ăn quả do đảng viên Đồn Biên phòng Ia R’vê hướng dẫn triển khai, gia đình ông Hồ Văn Điều (thôn 2, xã Ia R’vê) đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, cơ ngơi khá giả. Năm 2019, ông được đầu tư 100 con vịt trời giống, hỗ trợ làm chuồng trại, kỹ thuật để chăn nuôi. 4 tháng sau, lứa nuôi đầu tiên cho xuất chuồng, lại được giá đến 160 nghìn đồng/con, tỷ lệ hao hụt không có. Trên đà đó, ông nuôi thêm 300 con vịt trời, rồi tiếp tục gây đàn với lứa nuôi lên đến cả nghìn con. Có chút vốn tích lũy được, ông mở rộng nuôi dê, trồng dừa, cây ăn quả để đa dạng hóa nguồn thu. Với lão nông Hồ Văn Điều, các chiến sĩ biên phòng không chỉ là con, là cháu mà còn là những người thầy đã bày chỉ, hướng dẫn, hỗ trợ ông để phát triển kinh tế gia đình.
Như con một nhà
Để sâu sát địa bàn, hỗ trợ bà con, nhiều năm nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê đã lựa chọn 19 đảng viên giàu kinh nghiệm, nhiệt thành tham gia phụ trách 103 hộ gia đình trên địa bàn xã Ea Bung (huyện Ea Súp). Bám nắm 6 hộ gia đình được giao, Thượng úy Hoàng Hùng Anh (Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm) luôn tinh tế và chân thành trong đối đãi với từng hoàn cảnh. Bà Nguyễn Thị Giáo ở thôn 3 bày tỏ: “Các chú bộ đội đến thăm hỏi, động viên thường xuyên, cứ nhắc tôi suốt, khó khăn gì hãy gọi cháu”.
Bà Giáo từ Hà Nội vào Đắk Lắk sinh sống năm 1986, bà cần mẫn chăm nuôi 4 người con, đến tuổi trưởng thành, họ lần lượt lập gia đình, nhưng kinh tế khó khăn nên vẫn thường gửi con về nhờ bà chăm. Thượng úy Hoàng Hùng Anh vẫn thường lui tới, khi mang gói quà, khi ít dụng cụ học tập tặng các cháu bà Giáo. Đầu năm 2022, bà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà, Thượng úy Hùng Anh cũng dành dụm tiền lương để tặng bà chút kinh phí nâng nền, sửa sang.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê đến thăm hỏi đời sống gia đình bà Nguyễn Thị Giáo. |
Gần dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con là cách mà Đại úy Hoàng Văn Thọ (Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia R’vê) vẫn thường làm. Anh tham gia sinh hoạt tại Chi bộ thôn 13, phụ trách địa bàn cụm thôn 7, 12, 13 và sâu sát phụ trách 5 hộ gia đình ở đây. Anh chia sẻ, việc vận động người dân thanh lý hợp đồng, giao đất để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế ở địa phương là việc làm khó và phức tạp. Khi công tác tuyên truyền, vận động chưa đủ thuyết phục thì người dân sẽ khó làm theo.
Hiểu được điều này, Đại úy Hoàng Văn Thọ kiên trì lắng nghe mong muốn của bà con rồi vận động, giải thích, phân tích mặt được - mất, nhấn mạnh những lợi ích, quyền lợi mà người dân được hưởng sau khi thanh lý hợp đồng, giao đất cho Nhà nước. Sự chân thành và những lý lẽ thuyết phục xác đáng của anh đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của bà con trong thực hiện chủ trương này. Quá trình gần dân để vận động, gia đình bà Lê Thị Trọng (thôn 12) đã nhận Đại úy Hoàng Văn Thọ làm con nuôi, trở thành một thành viên trong gia đình. Những khi vui, buồn, khó khăn, trở ngại, mọi chuyện trong nhà anh đều có mặt để sẻ chia, cáng đáng một phần trách nhiệm.
Với Đại úy Hà Văn Tuyến, Đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê), trách nhiệm của người đảng viên, người lính biên phòng là sợi dây kết nối tình thân giữa anh và gia đình ông Nguyễn Thân (thôn 3, xã Ea Bung). Ông Thân lập gia đình, nhưng không rõ nguyên do gì vợ chồng ông cứ có con thì lần lượt từng đứa nhỏ mắc bệnh rồi mất. Hơn nửa đời người, hai ông bà nương tựa nhau, nhưng vì bà mắc bệnh tiểu đường nặng, huyết áp cao nên sức khỏe không được tốt. Quyết làm điều gì đó cho gia đình, anh Tuyến hỏi thăm khắp nơi, tìm được hiệu thuốc Nam, ròng rã hỗ trợ nhiều tháng trời và diệu kỳ thay, bà đã hết bệnh. Anh Tuyến được gia đình ông Thân yêu quý, xem như ruột thịt của gia đình. Càng gần, càng thương vợ chồng ông, nên anh lui tới mỗi tuần động viên gia đình tích cực lao động, phát triển sản xuất. Anh Tuyến bộc bạch: “Cuộc sống nhiều nốt trầm là vậy, nhưng vợ chồng anh chị Thân luôn nỗ lực mỗi ngày. Hơn 10 năm trước, gia đình được Nhà nước tặng bò sinh sản, chịu khó chăm bẵm giờ đã nhân đàn 10 con, nhờ đó sửa sang được căn nhà, có thêm sinh kế bền vững. Chỉ ngần ấy, đã thấy phục anh chị rồi”. Còn ông Thân vui mừng: “Tuyến với chúng tôi như ruột thịt. Chúng tôi không biết nói gì để cám ơn, bởi chính cậu ấy đã hồi sinh sức khỏe cho một con người, một gia đình”…
Bước chân người lính biên phòng in dấu dặm dài trên những cung đường tuần tra. Mỗi câu chuyện, việc làm của các anh về cách giúp dân xóa nghèo phát triển kinh tế, vượt lên những khó khăn trong cuộc sống đời thường chính là những viên gạch để xây cao dày thêm mãi phên giậu dải đất biên cương.
Từ năm 2012 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp, hỗ trợ kinh phí xây dựng trên 100 căn nhà tặng gia đình chính sách, quân nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; 2 công trình “Đoàn kết quân dân”; 8 công trình “Nước ngọt vùng biên”. Lực lượng biên phòng mua tặng 103 con bò giống cho các gia đình ở vùng biên; tham gia làm 133 km đường giao thông nông thôn; huy động gần 9.500 ngày công lao động giúp dân thu hoạch mùa màng, sửa sang nhà cửa, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, phối hợp mở 7 lớp xóa mù chữ; hỗ trợ 39 học sinh có hoàn cảnh trong chương trình “Nâng bước em đến trường” và nhận 4 em làm con nuôi trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”… |
(Còn nữa)
Kỳ 4: Bên dòng Sêrêpốk…
Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc