Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng biên cương... (Kỳ cuối)

07:13, 08/09/2022

Kỳ cuối: Biên giới ở lòng dân

Khát vọng biên cương… Đồng hành với những cán bộ, đảng viên mẫn cán, những người lính quân hàm xanh tận tụy góp sức giúp dân, chia lửa khó khăn dựng xây cuộc sống mới bình yên, hữu nghị nơi biên giới còn có những người dân mộc mạc, chân chất. Họ đã chọn Đắk Lắk, chọn nơi miền biên viễn làm quê hương thứ hai của mình. Niềm tin sắt son và những cống hiến âm thầm của họ đã tạo nên phên giậu đặc biệt – biên giới ở lòng dân.

Vùng biên Ea Súp, Buôn Đôn là nơi định cư của nhiều dân tộc, nhiều người dân đến từ những quê hương khác nhau. Bà con dẫu có mặt lâu đời, hay mới lập nghiệp, bằng nhiều cách khác nhau đều nỗ lực góp sức tạo thành một thế trận vững vàng, dựng xây cuộc sống nơi miền biên viễn.

Mảnh đất đa sắc màu văn hóa

Huyện Buôn Đôn hiện có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sắc màu văn hóa ở xã biên giới Krông Na gần giống như một Buôn Đôn thu nhỏ bởi có tới 15 dân tộc cùng chia ngọt sẻ bùi. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như Êđê, M’nông, Lào chiếm tới hơn 75%; các dân tộc khác như Tày, Nùng, Thái… từ miền Bắc di cư vào làm ăn phát triển kinh tế mới. Đa dân tộc tạo nên đa sắc màu văn hóa độc đáo.

Về Krông Na, câu chuyện săn bắt, thuần dưỡng voi rừng vẫn luôn được bà con nhắc nhớ, nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ các dụng cụ săn bắt, thực hiện những bài cúng sức khỏe cho voi. Những ngôi nhà dài của đồng bào; bài thuốc gia truyền Ama Kông thu hút đông đảo khách thập phương; những điệu múa lăm vông, múa xoang, hay nét ẩm thực của đồng bào các dân tộc vẫn được các thế hệ tiếp nối gìn giữ…

Buộc chỉ cổ tay – nét đẹp văn hóa được người dân tộc Lào ở Buôn Đôn duy trì nhằm cầu mong may mắn, sức khỏe.

Gắn bó, đỡ đần nhau trên quê hương Krông Na, những người dân dù mới hay cũ đều chung sống chan hòa, nghĩa tình. Trong các nếp nhà nơi đây, chuyện người Lào bén duyên với người Êđê, người M’nông lấy người Kinh, hay một gia đình có ba thế hệ dân tộc Lào – Êđê – M’nông cùng chung sống… chẳng có gì là lạ. Nghi lễ cúng voi của đồng bào M’nông xưa, hay điệu múa lăm vông đặc trưng của dân tộc Lào, dệt thổ cẩm của người Êđê… đều được bà con các dân tộc trên địa bàn có thể cùng tham gia, thuần thục thực hiện. Cũng bởi thân thuộc với các dân tộc anh em, quá trình tiếp xúc, giao lưu đã giúp nhiều người dân nói được cùng lúc nhiều ngôn ngữ các dân tộc.

Anh Y Nô Ly Kbuôr (ở buôn Trí) cho biết, gia đình anh 3 thế hệ chung sống, gồm người Kinh và người Êđê. Y Nô Ly có thể nói và hiểu tiếng phổ thông, tiếng Lào, M’nông, Êđê, J'rai. Chàng trai Êđê này đặc biệt say đắm âm nhạc Lào nên đã thành lập câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc Lào với 8 thành viên từ nhiều dân tộc khác nhau. Anh tâm tình: “Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, cũng là cách làm đẹp cho văn hóa ở miền biên cương, đồng thời làm giàu thêm cho tình yêu, niềm tự hào quê hương, Tổ quốc trong mỗi người, mỗi dân tộc”.

Còn văn hóa là còn dân tộc. Gìn giữ được những nét văn hóa, chúng tôi thấm thía: Có một thành trì biên giới đã sâu rễ bền gốc trong lòng nhân dân.

Trên “chảo lửa, rốn lũ” Ia R’vê

Xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) chính thức thành lập tháng 6/2006. “Khi ấy 97% dân số của xã là hộ nghèo”, con số mà nữ Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) Trần Lệ Thủy cho hay đã minh chứng rõ nét về sự nghèo khó nơi đây. Ở cái vùng đất thừa khô khát, nắng hạn này, bà con chỉ có thể sản xuất về mùa mưa. Nhưng khổ nỗi mùa mưa thì lại hay ngập lụt. Cảnh cán bộ xã xắn quần, lội nước, thậm chí là bơi trong những ngày mưa lũ để đi giúp dân không có gì là lạ. “Khó khăn, chính quyền xã phải dựa vào đồn biên phòng, dựa vào dân”, lời bộc bạch của chị Thủy khiến chúng tôi rưng rưng bởi tình quân dân ở “rốn lũ, chảo lửa” Ia R’vê này.

Chính quyền xã Ea Lê, huyện Ea Súp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo của địa phương.

Như để minh chứng cho điều vừa khẳng định “dựa vào dân”, chị Thủy dẫn chúng tôi đến thăm thôn 2. Đường xá trong thôn sạch sẽ, đèn điện thắp sáng trên những con đường dẫn lối vào nhà dân. Chúng tôi lặng người khi nhìn hàng cờ Tổ quốc trước ngõ mỗi ngôi nhà. Người dân cùng góp tiền làm đường điện chiếu sáng và dựng cột, treo cờ Tổ quốc, coi đó là biểu tượng nhắc nhở về sự đoàn kết, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia của cư dân vùng biên giới. Bí thư Chi bộ thôn 2 Nguyễn Văn Hồng Em chia sẻ: Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bà con đã cùng nhau đóng góp, xây dựng 2 km đường điện chiếu sáng, dựng cột treo cờ Tổ quốc, góp sức làm sân bóng để có khu sinh hoạt, vui chơi chung. Không những vậy, bà con đang từng ngày xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, từng bước xây dựng cuộc sống mới văn minh. Trong mỗi gia đình đều đã làm một hố rác tự hủy, bảo đảm vệ sinh nơi cư trú; trên các tuyến giao thông nội đồng cũng có các hố rác để thu gom rác thải, chai nhựa, không xả rác bừa bãi ra môi trường.

 

Tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các xã biên giới đã thành lập 38 tổ tự quản an ninh trật tự với 310 thành viên; có 38 tập thể, 489 hộ gia đình với gần 1.569 cá nhân đăng ký tham gia tự quản gần 72 km đường biên và 7 mốc quốc giới.

Chia tay thôn 2, chúng tôi đi gần 20 km để đến được thôn 7. Khí chất của người con quê hương Đồng khởi Bến Tre – nữ Bí thư Chi bộ thôn 7 Trần Thị Loan làm chúng tôi quên đi mệt nhọc giữa cái nắng như rang của biên giới.

“Năm 2002 tôi từ Bến Tre vào đây lập nghiệp. Năm 2006 thành lập thôn, khi ấy toàn thôn có 97 hộ thì có đến... 96 hộ nghèo. Có đói khổ cũng phải bám đất, giữ làng, không thể nhụt chí quay về quê cũ”, chị Loan bộc bạch.

Xác định đây là quê hương thứ hai mình sẽ gắn bó máu thịt, chị quyết lòng cùng bà con tìm, thử nghiệm, hỗ trợ nhau ngày công, cây giống với đủ loại từ lúa, mì, điều, cây ăn quả đến con giống để xóa đói giảm nghèo. Đất không phụ công người, đến giờ thì thôn 7 có gần 30 hộ trồng cây ăn quả, gồm các loại mít Thái, xoài, vú sữa, na, thanh long ruột đỏ... với diện tích gần 20 ha cây quả. Gần như nhà nào cũng nuôi bò, dê, heo... Nhà ít thì 5 - 7 con, hộ nhiều lên đến 60 con, tỷ lệ các hộ chăn nuôi trong thôn chiếm tỷ lệ 60%.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với những bí thư chi bộ ở thôn 2, thôn 7 và những trải nghiệm thực tế đã giúp chúng tôi hiểu về chìa khóa “dựa vào dân”, nhờ sức dân mà Bí thư Đảng ủy xã Trần Lệ Thủy chia sẻ.

Sắc diện nông thôn mới ở vùng biên

Năm 1984, khi mới thành lập, xã biên giới Ea Bung (huyện Ea Súp) vẫn là một vùng đất hoang vu, nghèo khó. Vươn mình mạnh mẽ, dáng dấp của xã biên giới này thay đổi từng ngày. Ea Bung là xã đầu tiên trên biên giới và cũng là xã đầu tiên của huyện Ea Súp cán đích nông thôn mới. Sự hoang vu của đại ngàn được đánh thức giúp Ea Bung trở thành một trong những vựa lúa lớn của tỉnh; các hợp tác xã lúa, trồng cây ăn trái hình thành dần khẳng định thế mạnh của vùng đất này. Các trục đường bê tông chạy dài theo từng đường làng ngõ xóm, những mái nhà ngói mới san sát nhau khiến diện mạo xã vùng biên thêm sức sống tươi mới.

Từ một vùng đất hoang vu, huyện biên giới Ea Súp đã có diện mạo mới.

Chính sự kết đoàn, bền bỉ vượt khó của bà con các dân tộc trên địa bàn đã tạo nên sức mạnh giúp Ea Bung từng bước phát triển vững vàng. Những người như ông Phạm Minh Hóa (thôn 5) đã trở thành một hình mẫu trong phát triển kinh tế giỏi nơi đây. Ít ai biết, năm 1987, khi mới rời quê hương Thái Bình vào lập nghiệp trên mảnh đất này, ông đã từng rất khó khăn để bám trụ. Ông kể: “Đất khó, điều kiện sống quá cơ cực, lắm lúc cũng muốn từ bỏ, nhưng mình là đảng viên, mình không làm gương thì còn nói ai tin nữa”. Nghĩ vậy, ông tìm hiểu tài liệu, tận dụng từng khoảng vườn để phát triển kinh tế với các loại cây ăn quả. Nhắm vào nhu cầu thị trường, mới đầu, gia đình ông trồng xoài ghép, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Thái xanh, Đài Loan, sau dần chuyển đổi, mở rộng vườn bằng các loại cây đặc sản cao cấp như me Thái, chôm chôm Thái… mang thu nhập bình quân hằng năm từ 150 – 200 triệu đồng.

Từ chỗ chỉ là một điểm kinh tế mới của huyện Ea Súp, qua 42 năm, xã Ea Lê được nhìn nhận là điểm sáng với sự chuyển mình mạnh mẽ, tạo bước ngoặt mới thông qua việc xây dựng sản phẩm mang thương hiệu riêng. Sống nhờ cây lúa và quyết tâm “đổi đời” cũng chính từ cây lúa, chính quyền xã Ea Lê tích cực đề ra những giải pháp sát sườn để khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa đối với nông sản có thế mạnh này. Trong đó, tập trung thực hiện tốt việc chuyên canh cây lúa, quy hoạch vùng trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đưa nước về đồng ruộng, tạo khí thế lao động sôi nổi trong nhân dân.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu Gạo Ea Lê, nhiều người đã mở rộng diện tích trồng lúa, thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng kỹ thuật trong canh tác, chọn giống lúa mới ST25 vào sản xuất thay thế giống IR64 vốn có năng suất, sản lượng thấp. Đến nay, xã Ea Lê đã xây dựng vùng canh tác lúa với diện tích hơn 2.021 ha, sản lượng đạt trên 16.776 tấn/năm. Do có kênh mương nội đồng thuận lợi nên mỗi năm, cây luá ở đây được sản xuất 2 vụ, cho năng suất bình quân đạt từ 8 - 9 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết, địa phương đã xác định đưa sản phẩm gạo Ea Lê vào xây dựng sản phẩm OCOP để người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu xây dựng thành công thương hiệu Gạo Ea Lê. Cùng với đó, bà con nông dân trên địa bàn đã liên kết hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác giúp nâng cao thu nhập, cho ra sản phẩm an toàn, giá trị kinh tế cao hơn. Thúc đẩy chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống máy xay xát để tự chế biến, cung cấp gạo an toàn cho các đại lý trong cả nước. Hiện, trên địa bàn xã Ea Lê có 11 cơ sở xay xát lúa, 3 đại lý phân phối gạo...

Khát vọng biên cương, quyết tâm dựng xây biên giới vững vàng, lớp lớp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ biên phòng, người dân đã âm thầm đồng sức chung lòng cống hiến. Biên giới không xa, biên giới luôn thật gần khi trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ luôn thường trực, tình yêu với dải đất biên cương luôn cháy bỏng.

Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.