Từ vùng đất khó... (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Những kinh nghiệm để “vượt khó”
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong triển khai thực hiện, các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã đúc rút được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý để “vượt khó” trong tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ.
* Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Bông Lâm Thanh Tùng: “Phát triển đảng viên không thể thiếu quyết liệt và quyết tâm!”
Huyện Krông Bông còn nghèo và khó khăn vì là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhưng một điều rất phấn khởi là đến hết tháng 8/2022, Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Bông đã tham mưu, thẩm định và đề nghị kết nạp được 103 đảng viên, bằng 121% so với kế hoạch tỉnh giao (85 đảng viên), 96,3% kế hoạch huyện giao (107 đảng viên), nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ lên 3.470 đồng chí. Thực sự mà nói, công tác tạo nguồn phát triển Đảng không phải là việc đơn giản. Để hoàn thành được chỉ tiêu không thể thiếu sự quyết liệt và quyết tâm của các tổ chức cơ sở đảng.
Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría (huyện Lắk) Đào Quang Lâm (bên trái) thăm mô hình phát triển kinh tế của đảng viên. |
Hiểu được cái khó trong phát triển đảng viên, hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo đôn đốc và đề nghị các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác phát triển đảng viên mới nói riêng. Trong đó, chú trọng phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, các trưởng, phó thôn, buôn, các chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện kết nạp Đảng... cả về số lượng và chất lượng theo đúng kế hoạch phát triển đảng viên mới. Đồng thời giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới trong từng năm và giai đoạn cho các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc căn cứ dân số, số lượng quần chúng tại cơ quan, đơn vị... để xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các chi bộ thực hiện, đồng thời phân công cấp ủy viên phụ trách theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc công tác phát triển đảng viên. Ngoài ra, còn thường xuyên hướng dẫn để các thôn, buôn, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể phát động các phong trào thi đua, từ đó tìm ra nhân tố tích cực, bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng. Hơn nữa, công tác lãnh đạo phải cụ thể, quyết liệt và phải coi nhiệm vụ phát triển Đảng là một tiêu chí đánh giá chất lượng cuối năm.
Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện theo dõi, nắm chắc tình hình tại các tổ chức cơ sở đảng, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó trong công tác xây dựng Đảng nói chung và phát triển đảng viên nói riêng tại các địa phương, đặc biệt là ở những địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Đối với những chi bộ, đảng bộ chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch, phải tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác phát triển đảng viên. Qua đó rút ra bài học và kịp thời phê bình, chấn chỉnh các chi bộ, cá nhân chưa làm tốt.
* Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría (huyện Lắk) Đào Quang Lâm: “Giữ chân quần chúng ưu tú”
Là một xã thuần nông có diện tích đất sản xuất khá ít, chỉ chiếm gần 33% diện tích đất tự nhiên trên địa bàn. Vì vậy, nhiều con em, quần chúng ưu tú trên địa bàn phải đi tìm các công việc khác để tăng thu nhập như đi làm công nhân ở các thành phố lớn... Điều này khiến những năm gần đây, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên của Đảng bộ gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ giao nhiệm vụ cho đảng viên, chi ủy viên gặp gỡ, trao đổi, làm công tác tư tưởng để quần chúng hiểu về quyền và trách nhiệm của đảng viên. Đặc biệt là làm quần chúng cảm thấy tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đó họ sẽ lan tỏa cảm nghĩ của mình đến những quần chúng khác sau khi được kết nạp vào Đảng.
Định hướng đến năm 2025, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk sẽ kết nạp mới từ 2.000 – 2.500 đảng viên trở lên (trong đó chú trọng phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, đảng viên trẻ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...), xóa các chi bộ không có đảng viên là người tại chỗ”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo triển khai mô hình sản xuất chất lượng cao, trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 5/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021 – 2025; khuyến khích, động viên nhân dân mạnh dạn chuyển đổi những loại giống lúa có chất lượng, giá trị cao như ST24, ST25, Đài thơm...; tích cực cải tạo vườn tạp bằng các loại cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, chôm chôm Thái, cam... Đối với những diện tích rừng sản xuất thì chuyển sang trồng giáng hương, tếch, cẩm lai, dổi... Xã cũng tạo điều kiện, khuyến khích các hợp tác xã trên địa bàn liên kết xây dựng thương hiệu lúa gạo theo tinh thần Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và thương hiệu các sản phẩm chăn nuôi như trứng vịt, cá... để nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập, từ đó "giữ chân" con em ở lại sản xuất. Nhờ đó, trong nhiều năm liền Đảng bộ xã Buôn Tría đã được Đảng bộ huyện Lắk công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ phát triển đảng viên. Đặc biệt, năm 2020, Đảng bộ xã Buôn Tría đã vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2014 - 2019).
* Bí thư Chi bộ thôn 19, xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) Lương Văn Nhân: Phải “một kèm một”
Ea Rốk là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp nên thôn 19 của chúng tôi cũng không ngoại lệ. Toàn thôn có trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc vào. Người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nhưng đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Khó khăn về kinh tế dẫn đến nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên do khan hiếm nguồn. Tuy nhiên, ông bà ta thường nói “trong cái khó ló cái khôn”, với kinh nghiệm 10 năm làm Bí thư Chi bộ thôn (2012 - 2022), hằng năm tôi đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên mà Đảng ủy xã giao phó. Nói về bí quyết thì không có, nhưng kinh nghiệm với chúng tôi là kèm cặp và dẫn dắt quần chúng. Trong quá trình tạo nguồn, chi bộ đã phân công một đảng viên kèm cặp một quần chúng về tư tưởng, đường lối. Đồng thời gần gũi, động viên và kịp thời giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. Từ đó, củng cố được niềm tin đối với quần chúng nhân dân. Việc “một kèm một” còn có tác dụng ổn định tư tưởng của quần chúng, tránh “đứng núi này trông núi nọ” hay bị nhiều luồng tư tưởng làm phân tán sự chú ý.
* Bí thư Tỉnh Đoàn H'Giang Niê: “Không để căn bệnh “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” tồn tại trong tư duy của đoàn viên thanh niên (ĐVTN)”
Với vai trò là cánh tay đắc lực của Đảng, để ĐVTN tỉnh nhà có được môi trường lành mạnh nhằm rèn luyện, trưởng thành, góp phần tạo nguồn phát triển đảng, Tỉnh Đoàn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác tuyên truyền cho ĐVTN, không để căn bệnh “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” tồn tại trong tư duy của ĐVTN. Đồng thời phát huy vai trò nòng cốt chính trị và xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thật sự vững mạnh, trở thành bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng với thanh niên. Tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn các cấp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức, triển khai các hoạt động, phong trào Đoàn.
Vận động thanh niên tích cực tham gia các phong trào là giải pháp tạo nguồn kết nạp Đảng mà nhiều tổ chức cơ sở đoàn đang thực hiện. (Trong ảnh: Bí thư Tỉnh Đoàn H'Giang Niê tham gia khởi công xây dựng công trình Thắp sáng đường quê tại thị xã Buôn Hồ). |
Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn củng cố, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm, tạo môi trường cho ĐVTN được tham gia học tập và rèn luyện. Phát huy vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên trên các lĩnh vực thông qua các phong trào, hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên ở địa bàn dân cư, trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thanh niên tôn giáo, những đối tượng đặc thù tại các cụm, khu công nghiệp… được tăng cường. Việc thực hiện chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm được đẩy mạnh. Đặc biệt là tích cực bồi dưỡng đoàn viên ưu tú, xây dựng lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên” tạo nguồn giới thiệu cho Đảng bằng việc thường xuyên theo dõi, đánh giá ý thức, trách nhiệm, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở phân loại đoàn viên, bình chọn, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp".
Khả Lê - Thùy Linh - Thúy An
Ý kiến bạn đọc