Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo di nguyện của Người

08:02, 07/09/2022

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ, luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Bác có 3 nội dung lớn: Một là, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vì đó là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, đồng thời phòng ngừa sự chia rẽ, bè phái, làm suy yếu và mất sức chiến đấu của Đảng. Hai là, phải phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc, làm cho Đảng mạnh lên, phải có động cơ, thái độ tự phê bình và phê bình đúng đắn vì sự phát triển và vững mạnh của Đảng. Ba là, hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa, hư hỏng trong Đảng.

Thực tế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta thực hiện ngay từ năm 1939, trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Đảng đã tiến hành sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng về tư tưởng và tổ chức. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác xác định 12 chuẩn mực về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, định danh, đúc kết, nhắc nhở: “Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều ấy chớ quên điều nào”.

Năm 1961, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 25/2/1961, của Bộ Chính trị về "Cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân", mục đích là xây dựng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động tinh thần làm chủ, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, hiểu rõ nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm trong giai đoạn mới, phê phán chủ nghĩa cá nhân, tham ô lãng phí, tác phong quan liêu mệnh lệnh, bảo thủ, rụt rè. Sau đó, Bộ Chính trị tiếp tục có Chỉ thị số 88-CT/TW, ngày 2/1/1965 về "Cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân" năm 1965 nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, trên cơ sở nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng mà nâng cao phẩm chất và đạo đức cách mạng, phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và các đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng Đảng tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Xuân

Hội nghị Trung ương 3 (6/1992) đã ban hành Nghị quyết về "Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng"; trong đó thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm đã trở thành nguy cơ không thể xem thường, đó là: “một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng”.

Đặc biệt, từ nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII đã ban hành các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”". Đây là những dấu mốc rất quan trọng khẳng định Đảng ta luôn kiên định, kiên quyết, kiên trì và tập trung trí tuệ, tâm sức cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Theo đó, để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiệu quả, trước hết cần coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó, phải dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”.

Song song đó là tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương” trong bộ máy đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống: xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Tài liệu tham khảo:

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011

-Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007

- Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.