Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây thất thoát, lãng phí
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa, ngày 31/10, dưới sự điều hành phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016 - 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2021. Ảnh: Quochoi.vn |
Do phạm vi rất rộng nên Đoàn giám sát tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật THTK, CLP. Đoàn giám sát đã làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 15 địa phương và khối cơ quan Tư pháp.
Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề này bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực trong THTK, CLP như tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách. Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy trong tất cả các lĩnh vực được giám sát đều có những vướng mắc, bất cập, lãng phí đòi hỏi phải sớm có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục như: việc nợ đọng thuế còn diễn ra; vẫn còn tình trạng công trình chờ vốn, vốn chờ công trình.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Ngoài ra, tình trạng lãng phí trong sử dụng tài sản công; quản lý sử dụng đất đai; nguồn nhân lực; quản lý sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ thông tin; quản lý sử dụng vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước… vẫn còn khá phổ biến, thậm chí là vấn nạn của quốc gia.
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu gương mẫu trên các lĩnh vực, phát huy hiệu quả đã đạt được trong thời gian qua; kiên quyết chống lãng phí; thực hành tiết kiệm có chủ đích để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác này.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác hậu giám sát, tiếp tục các nội dung liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch hằng năm hoặc định kỳ. Đặc biệt là những vấn đề tồn tại mà Đoàn giám sát đã nêu ra trong báo cáo, trọng tâm là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hóa; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng các quỹ, tài chính ngoài ngân sách, tăng cường hiệu lực quản lý các dự án, sử dụng và quản lý nhà công vụ, trụ sở làm việc, các công trình phúc lợi công cộng; cần kiên quyết thu hồi các dự án đã được giao đất nhưng chưa triển khai, chậm triển khai….
Đại biểu cũng kiến nghị cần có biện pháp cụ thể tháo gỡ bất cập trong công tác đấu thầu, nhất là đấu thầu thuốc, vật tư y tế, mua sắm tài sản công bảo đảm chặt chẽ trong quy định của pháp luật, tránh tạo kẽ hở gây lãng phí nguồn lực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây thất thoát, lãng phí và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu trên các lĩnh vực đã được Đoàn giám sát chỉ ra những hạn chế mà chưa khắc phục; đồng thời nêu gương, khen thưởng những nơi thực hiện tốt.
Đồng thời đẩy nhanh kết luận thanh tra sau khi phát hiện những nơi có dấu hiệu sai phạm để ngăn chặn kịp thời hoặc thu hồi, xử lý tài sản thất thất thoát và khắc phục hậu quả. Phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị từ Trung ương đến cơ sở, của cán bộ, công chức, viên chức đã kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về tiết kiệm, lãng phí của cán bộ có chức, có quyền cũng như cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ nhằm đảm bảo cho công tác này thực chất, hiệu quả…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc