Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Triển khai các giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

18:07, 27/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 27/10 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tham gia thảo luận, các đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu chưa được kiểm soát có hiệu quả, với nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2022 nước ta đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả khá quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, ước khả năng đạt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việt Nam là một trong số các đất nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao việc phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân còn nhiều khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều thách thức…

Bên cạnh đó, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự… cùng với những tồn tại, hạn chế khác mà Chính phủ nêu trong báo cáo. Theo đại biểu, đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2023.

Phân tích khó khăn, thách thức ở trong nước và các yếu tố tác động khách quan cả trong nước và nước ngoài, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta, báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường ngày 27/10. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, cần linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Đại biểu cũng nêu một số giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cần cải thiện các động lực tăng trưởng kinh tế; thực hiện các chính sách tăng trưởng hài hòa; cải thiện thêm chính sách phân phối thành quả tăng trưởng cho các lĩnh vực liên quan đến con người.

Mặt khác, cần triển khai quyết liệt hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia; cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương; tăng cường chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội…

Bên cạnh các giải pháp mang tính vĩ mô, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai; có cơ chế, chính sách cụ thể hơn trong phát triển kinh tế rừng; xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đến việc ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu trong công tác này. Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn lậu, buôn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn và gây ra nhiều ảnh hướng nặng nề. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm và có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, đăc biệt là đối với phân bón, vật tư nông nghiệp.

Về vấn đề tăng lương cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng đề xuất tăng lương của Chính phủ là thấp hơn và không tương xứng với tỷ lệ tăng trong những năm qua, vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần thực hiện tăng lương từ 1/1/2023 để thống nhất với chính sách tăng lương đã được thực hiện trong thời gian qua, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống của người lao động.

Ngoài ra, đối với việc phát triển năng lượng tại tỉnh Đắk Lắk, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa, ưu tiên bổ sung nguồn năng lượng tái tạo vào Quy hoạch Điện VIII để giúp tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người dân vùng biên giới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã có dự án phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.