Multimedia Đọc Báo in

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên

14:59, 14/10/2022

Sáng 14/10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Về phía tỉnh Đắk Lắk, tham dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê; các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND - UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã được nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 23. Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Chính trị, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, khu vực này đã phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững, đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng. Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

 
gdfgf
Quang cảnh hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến. (Ảnh chụp từ màn hình).

Xác định vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, Nghị quyết số 23 đã đề ra 5 quan điểm gồm: Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước; Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất, phù hợp với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc; Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Phó Thủ tướng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 23. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu, các chỉ tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; Phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.  

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng thông qua Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Vũ Hồng Thanh báo cáo kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 23. Đại diện các bộ, ngành, địa phương trong vùng Tây Nguyên cũng trình bày các tham luận, nêu rõ tiềm năng, lợi thế, khẳng định ví trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng cũng như phương hướng phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, bền vững về mọi mặt.

Bí thư Tỉnh ủy
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 23; đồng thời đề xuất một số nội dung: Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động về triển khai thực hiện Nghị quyết và sớm thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên; đề nghị các cơ quan Trung ương nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên, nhất là về đất đai, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, hỗ trợ đối với các nghệ nhân trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc…; có chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng Tây Nguyên; đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; quan tâm, ủng hộ việc ban hành Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột và Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện trực thuộc tỉnh…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đây là hội nghị có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Khẳng định những kết quả đã đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này có ý nghĩa và cần thiết, thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Tổng Bí thư cũng nêu rõ những nội dung mới, ý tưởng mới, tinh thần mới của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị là kế thừa, bổ sung, phát triển 4 quan điểm của Nghị quyết số 10 thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta tại Đại hội XIII, quyết tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về phát triển vùng Tây Nguyên trong thời kỳ chiến lược mới; mới về mục tiêu, tầm nhìn và mới cả về nhiệm vụ và giải pháp.

gdfgf
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tổng Bí thư yêu cầu các địa phương trong vùng phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết; nắm vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm; đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng, cơ chế, chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.

Các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng; xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.