Hiểu thêm về pháp trị và pháp quyền
Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền. Các nguyên tắc của pháp quyền như bảo vệ quyền con người, các cơ quan nhà nước kiểm soát lẫn nhau, tòa án phải bảo vệ công lý… đã được thể hiện trong Hiến pháp.
Mặc dù khái niệm pháp quyền đã được sử dụng rộng rãi nhưng dường như trong một số trường hợp, khái niệm pháp trị đang được hiểu như pháp quyền. Điều này có thể dẫn tới những rào cản nhất định trong nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
Trong tiếng Anh, pháp quyền là “the rule of law” và pháp trị là “rule by law”. Dịch ra tiếng Việt, pháp quyền là “sự cai trị của pháp luật”, và pháp trị là “sự cai trị bằng pháp luật”. Xét về ngữ nghĩa, trong danh từ ghép "pháp quyền", chúng ta có thể hiểu đây là "quyền" mang tính "pháp", hay có tính chất "pháp". Như vậy, pháp quyền được hiểu là quyền được pháp luật hóa hay nói cách khác là quyền thành luật. Tương tự như vậy, trong từ "pháp trị" thì "trị" hay "biện pháp cai trị" được luật hóa hay nói cách khác là biện pháp cai trị trở thành luật. Như vậy, trong cả hai khái niệm này, vai trò của pháp luật đều được đề cao.
Ảnh minh họa |
Nhưng lưu ý rằng, pháp quyền tức là quyền của dân, của cá thể trong xã hội được pháp luật hóa, thành các quy tắc sinh hoạt tối cao. Các cơ quan nhà nước nắm giữ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được thiết kế theo nguyên tắc kiểm soát và cân bằng lẫn nhau để không một cơ quan nào có thể lạm quyền. Người dân cũng có quyền khởi kiện nhà nước ra trước pháp luật, chống lại lạm quyền và bảo vệ công lý. Pháp luật trong nhà nước pháp quyền hướng đến bảo vệ các quyền tự nhiên vốn có của con người. Đồng thời, pháp luật trong nhà nước pháp quyền luôn hướng đến sự hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước, đảm bảo cho nhà nước sử dụng quyền lực ấy đúng mục đích là bảo vệ những quyền tự nhiên vốn có của công dân, ngăn chặn sự lạm quyền của nhà nước theo phương châm “công dân có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, còn nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Và như vậy, bất cứ luật gì mà nhà cầm quyền muốn có để dễ cai trị đều phải đáp ứng được một loạt các quy định chặt chẽ về thủ tục lập pháp và đều phải được cơ quan đại diện cho dân (Quốc hội) thông qua. Bởi vậy, tổ chức Liên hiệp quốc khẳng định pháp quyền là "nguyên tắc quản trị mà trong đó tất cả cá nhân, tổ chức, thiết chế, cả công cộng và tư nhân, kể cả nhà nước đều phải tuân thủ pháp luật, mà pháp luật này được công bố công khai, được áp dụng bình đẳng và được phân định một cách độc lập, phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".
Trong khi đó, pháp trị là các biện pháp cai trị được pháp luật hóa, tức là thành các quy tắc cao nhất điều khiển xã hội. Trong chế độ pháp trị, nhà nước sử dụng pháp luật để áp đặt ý chí của nhà nước lên toàn xã hội. Khi đó, pháp luật là của nhà nước, do nhà nước đặt ra nhằm mục đích chủ yếu là cai trị người dân, quản lý xã hội. Và rất dễ xảy ra hiện tượng nhà nước tự cho mình có thể đứng trên pháp luật, có thể hành xử tùy tiện, bất chấp pháp luật do mình đặt ra. Trong quản lý xã hội, xu hướng không quản được thì ban hành quy định cấm là biểu hiện của tư tưởng pháp trị. Thiết nghĩ, cần có sự thận trọng hơn khi sử dụng khái niệm pháp trị bởi có thể dẫn tới những lập luận theo hướng cổ vũ cho chế độ chuyên chế.
Khái niệm pháp quyền không chỉ đề cập đến khía cạnh pháp chế và pháp luật mà còn bao hàm cả chiều kích quyền và nghĩa vụ của người dân sống trong khuôn khổ của pháp chế hay pháp luật ấy. Thực tiễn chỉ ra rằng sức mạnh và sự thịnh vượng của một quốc gia, cũng như khả năng đối mặt với những khó khăn, thách thức phần lớn được quyết định bởi sự vững mạnh của các thiết chế, cam kết của các nhánh quyền lực nhà nước với nhân dân về tính pháp quyền. Điều đó không kém phần quan trọng so với các yếu tố về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu hoặc vị trí địa lý của quốc gia đó.
Để có thể tạo dựng được một xã hội thượng tôn pháp luật, trước hết cần tạo dựng một môi trường sống trong đó không ai muốn vi phạm. Tức là nền tảng giáo dục đạo đức giúp các cá nhân tự nhận thức được điều sai trái và không muốn làm. Nhưng giả sử có ai đó muốn vi phạm thì với nền luật pháp nghiêm minh, đủ sức răn đe và ngăn ngừa hành vi thì khi đó cá nhân cũng không dám vi phạm vì sợ sự trừng phạt. Và với một cơ chế kiểm soát tốt thì nếu có ai đó muốn vi phạm, dám vi phạm đi chăng nữa cũng không thể vi phạm. Đó sẽ là một xã hội mà trong đó, người dân lương thiện được an toàn và được quyền thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi chính đáng.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc