Huyện Krông Pắc: Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng
Những năm qua, Huyện ủy Krông Pắc đã không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn cũng như chú trọng đổi mới cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Đảng bộ xã Ea Yông là một trong những tổ chức đảng được thành lập ngay sau giải phóng, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn. Tiền thân là một chi bộ, trải qua 9 kỳ đại hội, Đảng bộ xã Ea Yông hiện nay đã có 31 chi bộ trực thuộc với 514 đảng viên. Với bề dày ấy, việc sưu tầm tư liệu, tài liệu qua các thời kỳ gặp không ít khó khăn, một số nhân chứng lịch sử là cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ đã qua đời, nhiều văn bản, nghị quyết trước năm 2000 bị thất lạc.
Xác định tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, từ năm 2015, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn đi sưu tầm tài liệu và gặp mặt các đồng chí từng là cán bộ chủ chốt của địa phương. Bên cạnh đó, tổ biên soạn cũng khai thác các tư liệu lưu trữ, đối chiếu với lời kể của các nhân chứng lịch sử, trao đổi tạo sự thống nhất giữa nhân chứng, người sưu tầm và người biên soạn.
Các đảng viên mới huyện Krông Pắc tìm hiểu về Di tích Đồn điền CADA. |
Đến tháng 3/2021, Đảng ủy xã phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên tổ chức gặp mặt, phỏng vấn, trao đổi với các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ để minh định các thông tin, làm rõ hơn những bài học kinh nghiệm của thế hệ trước. Đến nay, dự thảo Lịch sử Đảng bộ xã Ea Yông (1975 - 2020) đã hoàn thành với 285 trang, khái quát cả một chặng đường kiến thiết, xây dựng và phát triển mọi mặt công tác Đảng, kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn. Bí thư Đảng ủy Y Núc Byă cho biết, cuối năm nay, sách Lịch sử Đảng bộ xã Ea Yông sẽ được in ấn và phát hành. Đây là tài liệu quan trọng để các đảng viên nghiên cứu, học tập cũng như tuyên truyền đến quần chúng nhân dân.
Ban Thường vụ Huyện ủy đang hướng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng không chỉ trong các tổ chức cơ sở đảng mà còn triển khai rộng rãi trong chương trình giáo dục phổ thông”. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Pắc Trần Ngọc Liêm
|
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường nghiên cứu, biên soạn và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, huyện Krông Pắc đã có 8/16 đảng bộ xã, thị trấn hoàn thành xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương là các xã: Krông Búk, Hòa An, Ea Kuăng, Ea Phê, Ea Kênh, HòaTiến, Ea Knuếc và thị trấn Phước An. Hiện còn bốn xã cơ bản hoàn thành bản thảo, dự kiến xuất bản vào cuối năm 2022 và bốn xã đang tiến hành sưu tầm, biên soạn để xuất bản sách lịch sử đảng bộ vào cuối năm 2023.
Các bản thảo trước khi in ấn, xuất bản đều được lấy ý kiến góp ý, đánh giá của hội đồng thẩm định cấp huyện. Nội dung các ấn phẩm không chỉ đảm bảo tính khoa học mà còn rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử quý, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, phát huy truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Để những ấn phẩm lịch sử đảng bộ các cấp gắn vào thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đa dạng hóa hình thức chuyển tải. Bên cạnh việc đưa nội dung lịch sử Đảng bộ huyện vào giảng dạy tại Trung tâm Chính trị đối với các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, huyện Krông Pắc còn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền lịch sử Đảng vào các lễ kỷ niệm, hội thi, tọa đàm, triển lãm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… từ cấp huyện đến các đơn vị, cơ sở, tổ chức đoàn thể. Qua đó, gắn giáo dục lịch sử Đảng với tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của địa phương, khơi dậy sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Các đảng viên mới huyện Krông Pắc tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hoá của Di tích Miếu thờ CADA. |
Những câu chuyện, sự kiện lịch sử còn được thể hiện sống động qua các hình ảnh, hiện vật tại hai di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn huyện là Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA. Cả hai di tích đều đã được huyện trùng tu, tôn tạo và trở thành điểm kết nối quan trọng của các thế hệ con em Krông Pắc hôm nay với buổi đầu hình thành và phát triển phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng tại Krông Pắc hòa cùng dòng chảy lớn của lịch sử đất nước.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc