Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Minh bạch trong thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân

14:56, 03/11/2022

Sáng 3/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến, đa số đại biểu đều thống nhất việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm; đồng thời chia sẻ đây là nhiệm vụ khó khăn, là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực, cố gắng của các cơ quan.

Lần sửa đổi luật này, đại biểu mong muốn sửa đổi một cách toàn diện, căn cơ nhất, đảm bảo hành lang pháp lý vững chắc để luật đi vào cuộc sống, tạo động lực mới, nguồn lực mới cho đất nước; đảm bảo cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và an dân.

Các đại biểu cũng đề nghị Luật sửa đổi lần này chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã “chín”, đã đủ rõ và đã có quyết sách của Trung ương. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần khắc phục được các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, tính kế thừa trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 12. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 12. Ảnh: Quochoi.vn

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng (Điều 86) một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa cụ thể, rành rọt các điều kiện, tiêu chí, phân biệt rõ giữa dự án nào mục đích phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và dự náo nào mục đích kinh tế đơn thuần. Do vậy, để minh bạch trong thu hồi đất, tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan và khiếu nại, khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi cần rà soát, quy định cụ thể rõ ràng hơn.

Tại Điều 91, đại biểu đề nghị cần xem xét lại đối tượng nhận thông báo và chấp hành quyết định thu hồi đất, nếu chỉ thông báo thu hồi đất cho một đối tượng là người có đất bị thu hồi thì chưa đầy đủ vì ngoài người có đất bị thu hồi còn có đối tượng người có tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chủ sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Do đó, cần bổ thêm đối tượng người có tài sản gắn liền với đất và các chủ thể khác có liên quan đến đất bị thu hồi. Điều 91 cũng quy định, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Đại biểu đề nghị nên nên rút ngắn thời gian thông báo xuống chậm nhất là 30 ngày.

Về việc bổ sung quy định "ngân hàng đất nông nghiệp" tại Điều 124, đại biểu nhận định, đây có thể coi là bước ngoặt trong tích tụ ruộng đất, khắc phục vấn nạn đất nông nghiệp bị bỏ hoang, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có diện tích đất nông nghiệp đủ lớn để hoạt động sản xuất.

Tuy vậy, những nội dung quy định tại điều này hiện vẫn còn đang rất mơ hồ do đó cần bổ sung quy định cụ thể về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo với các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng như tạo cơ sở để Ngân hàng đất nông nghiệp có đầy đủ tư cách pháp lý nhằm hoạt động hiệu quả.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu cũng đề cập đến nhiều nội dung lớn của dự án Luật như về đền bù tái định cư, giải quyết tranh chấp đất đai, tích tụ ruộng đất. Theo đó, đại biểu chỉ ra một số vướng mắc hiện hành như: chênh lệch địa tô là một trong những vấn đề bức xúc khá lớn, đặc biệt là đối với người dân trong diện và bị thu hồi đất trong quá trình phát triển xây dựng các đô thị. Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư có những điểm không nhất quán dẫn đến chênh lệch. Vấn đề bảo đảm kế sinh nhai cho người dân, nhiều vùng tái định cư không bảo đảm đời sống cho người dân; việc đền bù, hỗ trợ để người dân có ở nơi ở mới tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ là rất khó xác định. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm cụ thể đến khảo sát, đánh giá tạo sinh kế cho những người mà bị mất đất, đặc biệt là trong sản xuất.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Lê Hữu Trí cho biết, dự thảo Luật đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ngoài một số trường hợp mà Luật đã đề cập. Theo đại biểu, việc giao Chính phủ quy định chưa phù hợp, thay vào đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định cụ thể luôn để tránh việc lạm dụng việc thu hồi đất tại các địa phương, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người nông dân.

Đại biểu phân tích, tại Khoản 2, Điều 97 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Mặc dù, nội dung này cũng đã được đề cập tại Luật cũ cũng như các Văn kiện của Đảng.

Tuy nhiên, trên thực tế để triển khai là không hề dễ dàng và cực kỳ khó. Đại biểu cho biết, thực tế cho thấy giá đất bồi thường thường là thấp hơn với các khoản hỗ trợ, bồi thường, chưa bảo đảm được sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, phần lớn chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi trong độ tuổi lao động. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần có chính sách và thể chế đầy đủ các nội dung bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất, của nhà đầu tư trong việc thu hồi đất…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.