Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, tạo giá "ảo", gây nhiễu loạn thị trường đất đai

19:15, 14/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 14/11 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển có thu nhập cao. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Đây là dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, dự thảo luật còn một số nội dung chưa thống nhất với các quy định khác của luật liên quan, chưa giải quyết được triệt để các vấn đề bất cập trong thực tế. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện của pháp luật đất đai.

Đối với quy định về bảng giá đất, đại biểu nêu rõ trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hằng năm.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất "ảo", giúp cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá "ảo" về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Quan tâm đến quy định về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, chung chung, chưa cụ thể. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ các điều kiện nào là “thật cần thiết” để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động. Đại biểu cũng cho biết, người bị thu hồi đất không chỉ chịu thiệt hại về đất đai, mà còn chịu thiệt về nhiều tài sản khác gắn liền với đất đai, sinh kế. Đại biểu đề nghị, cần quy định thêm về việc hỗ trợ vốn ưu đãi, học nghề, việc làm cho người bị thu hồi đất, thực hiện đúng mục tiêu “chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.

Góp ý về thủ tục hành chính về đất đai trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu bấm nút tán thành thông qua Luật Thanh Tra (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu bấm nút tán thành thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo, các đạo luật có liên quan như: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở để xác định phạm vi điều chỉnh của từng luật để đảm bảo có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác, bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước…

Góp ý về phát triển quỹ đất, đại biểu chỉ rõ, dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới trong cơ chế phát triển quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư đảm bảo đồng bộ, giải quyết được nhiều bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ cơ chế để có thể phát huy được nguồn lực của tổ chức phát triển quỹ đất thực tiễn. Đại biểu đề nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đặc biệt là có cơ chế huy động hỗ trợ nguồn vốn cũng như trình tự thủ tục về tài chính thuận lợi để các trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả…

Cũng tại phiên làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với 459 đại biểu tán thành, chiếm 92,17%; Luật Dầu khí (sửa đổi) với 472 đại biểu tán thành, chiếm 94,78% và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), với 465 đại biểu tán thành, chiếm 93,37%.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.