Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số

13:39, 11/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, sáng 11/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành; phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số.

Quan tâm tới tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các luật liên quan, đại biểu cho rằng, đây là nội dung rất lớn, rất khó; đồng thời đánh giá cao Ban soạn thảo đã kỳ công rà soát 26 luật liên quan, làm rõ được một số vấn đề để tương thích với dự thảo luật này.

Tuy nhiên, theo đại biểu, Luật này chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành; đồng thời cần rà soát kỹ các nội dung của luật để đảm bảo phù hợp, toàn diện với các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)​. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Về an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, đại biểu nêu rõ luật hiện hành có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp, dữ liệu chưa được cụ thể hóa để đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong giao dịch điện tử nói chung. Tại thời điểm luật ban hành, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, dẫn chiếu Điều 53 của dự thảo luật đến Luật Công nghệ thông tin để thực hiện một cách thống nhất.

Đóng góp ý kiến về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp, đại biểu nhấn mạnh: Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất; liên quan đó là việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu…

Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm; đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý, như kỷ luật, truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động với các cơ quan, tổ chức.

Về quy định giải quyết tranh chấp, đại biểu cho rằng, các quy định còn quá chung chung, đề nghị cần bổ sung thêm các hình thức xử lý hành vi vi phạm, quy định cụ thể từng trường hợp, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp được quyết định theo luật nào, để đảm bảo tính minh bạch của dự án Luật, áp dụng dễ dàng khi Luật được ban hành. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu phương thức mới trong giải quyết tranh chấp giao dịch thông qua hợp đồng điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và Cách mạng 4.0 trên thế giới.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc; trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, các địa phương; trách nhiệm chủ quản của hệ thống thông tin; trách nhiệm giám sát của các cơ quan nhà nước; biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử; chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; chứng thư điện tử, giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chữ ký điện tử; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; điều khoản thi hành, tính khả thi và điều kiện đảm bảo để luật sớm đi vào cuộc sống…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc