Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Đảm bảo giá cả được điều chỉnh kịp thời với những biến động trên thị trường
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 11/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện hành, khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá; đảm bảo khả thi cũng như cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; đồng thời đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước về giá cả phù hợp với cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Giá cần đảm bảo giá cả phải được điều chỉnh đáp ứng kịp thời những biến động giá cả trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Liên quan đến vấn đề xác định giá và bảo vệ người thẩm định giá, đại biểu phân tích, thực tế đa số những vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thì đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc là khi bán tài sản công. Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công chỉ mua hoặc khi bán. Mặt khác, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa; điển hình như là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế…
Đại biểu cho rằng, nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có những quy định chặt chẽ, cụ thể các căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; chưa có các quy định làm căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Đại biểu chỉ rõ pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá. Do đó, đại biểu nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá...
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Ngoài ra, theo đại biểu, để có được xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, việc kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng. Đại biểu đề nghị hoạt động kê khai giá không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá. Đồng thời hai đối tượng phải thực hiện kê khai giá là những doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những các doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa đưa vào thị trường tiêu thụ.
Đối với chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ cho Nhà nước định giá, đại biểu chỉ ra rằng, báo cáo của cơ quan soạn thảo chưa làm rõ được căn cứ xác định danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, chưa có dự thảo danh mục đi kèm để cung cấp kịp thời tới đại biểu Quốc hội. Do đó, đề nghị bổ sung dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để đại biểu Quốc hội có căn cứ, cơ sở để biểu quyết thông qua luật. Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, có 13/72 Điều giao Chính phủ quy định, trong khi đó có nhiều nội dung quan trọng cần phải được thể hiện trong luật.
Đại biểu nhấn mạnh, thực tế cho thấy, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến sự bình ổn của thị trường. Đại biểu cho rằng các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cần được công khai, minh bạch và cần được quy định rõ trong luật để tránh sự tùy tiện trong việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các mặt hàng bình ổn giá.
Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn |
Thảo luận về quỹ bình ổn giá, đại biểu cho rằng, quỹ bình ổn giá đã giúp cho giá cả hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ bình ổn giá trong thời gian qua cho thấy việc vận hành còn có những hạn chế. Một số đại biểu cho rằng, chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu, không lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng khác. Ngoài ra, cần công khai minh bạch việc sử dụng quỹ bình ổn giá, kèm theo đó là kiểm soát nguồn cung cầu; đồng thời cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo được thực thi…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính cụ thể, tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật khác liên quan; các hành vi bị cấm; công khai thông tin về giá; phân công, phân cấp giữa các cơ quan quản lý về giá…
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, với 451 đại biểu tán thành, chiếm 90,56 %; đồng thời biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, với 453 đại biểu tán thành, chiếm 90,96 %.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc