Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Giải quyết mối quan hệ giữa giảm biên chế với yêu cầu thực thi nhiệm vụ đặt ra
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 4/11, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; đồng thời tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Chất vấn về lĩnh vực nội vụ, đại biểu đề nghị làm rõ một số tồn tại, vướng mắc cũng như giải pháp cho các vấn đề: Việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức vẫn chưa thực chất; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; các vấn đề liên quan đến tinh giản biên chế; xác định cơ cấu viên chức theo ngạch và theo chức danh nghề nghiệp; những khó khăn, bất cập đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp…
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Giải trình trước Quốc hội đối với vấn đề đánh giá cán bộ, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Thực chất công tác này trong những năm gần đây đã có kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên, việc đánh giá này giá vẫn còn chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm đầu ra, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, để đảm bảo đánh giá cán bộ công chức, viên chức được tốt hơn thì cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo đồng bộ, liên thông, xuyên suốt; cần tập trung hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm khung năng lực để có cơ sở đánh giá công chức, viên chức; Bộ quản lý ngành, lĩnh vực của địa phương cần căn cứ vào quy định chung để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức đơn vị mình.
Đối với vấn đề tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, chúng ta giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ công chức viên chức. Công tác này có tác động lớn, giúp tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để tạo nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Công tác này sẽ còn được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới…
Về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua đã có sự nỗ lực vượt bậc trong việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. Trước đó, nhiều năm chúng ta không đạt được con số 10% này. Hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng, tuy nhiên, nhìn chung việc tinh giản biên chế, bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời câu hỏi của đại biểu về xác định vị trí việc làm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2012 đến năm 2019, chúng ta cũng đã xác định vị trí việc làm, tuy nhiên việc này chuẩn bị cũng chưa thật đầy đủ, căn cơ. Sau khi có Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 62 xác định vị trí việc làm đối với công chức và Nghị định 106 xác định vị trí việc làm đối với viên chức. Hiện nay đã xác định được một khung chung. Cụ thể, vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí, trong đơn vị sự nghiệp là có 615 vị trí, ở cấp cơ sở (cấp xã) có 17 vị trí.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng hoàn thiện lại các vấn đề liên quan đến xác định vị trí việc làm cũng như khung năng lực của vị trí việc làm để triển khai đồng bộ, toàn diện để đảm bảo quản lý biên chế theo vị trí việc làm.
Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức không chuyên trách cấp xã, Bộ trưởng cho biết hiện nay có hai chế độ công vụ, một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và chế độ công vụ cấp xã. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không có sự thay đổi lớn so với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, chỉ khác nhau về ngạch, còn cán bộ, công chức cấp xã trả lương theo trình độ đào tạo.
Tham gia chất vấn tại phiên làm việc, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nêu rõ: Việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm. Trước tình trạng này, Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào và Bộ Nội vụ có trách nhiệm ra sao để giải quyết thực trạng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất việc giao biên chế viên chức hàng năm Bộ không có thẩm quyền; Bộ chỉ có đề xuất tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên. Tới đây, Bộ tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp hơn về nội dung này, đề nghị giao biên chế trên cơ sở định mức, các địa phương cũng cần sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối, giảm biên chế giáo viên.
Tranh luận tại hội trường về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có quan điểm chia sẻ với những khó khăn hiện nay trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, hiện nay theo chủ trương của Bộ đang giao cho các địa phương tiến hành sắp xếp các trường, lớp để đảm bảo tinh gọn bộ máy giáo viên. Các địa phương vẫn đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng chia sẻ với địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hiện nay có kết cấu hạ tầng cơ sở rất khó khăn, việc sắp xếp các điểm trường, lớp là một quá trình, không phải địa phương nào, đơn vị nào cũng có thể làm được.
Trả lời cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp số cán bộ, công chức được xác định theo chuẩn chung là đô thị loại 1 là 23 người, đô thị loại 2 là 21 người, đô thị loại 3 là 19 người. Do đó có những điểm tồn tại, hạn chế có những địa phương có nơi có quá đông dân cư nhưng số lượng cán bộ công chức ít. Tiếp thu vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tới đây sẽ sửa nghị định theo hướng ngoài theo phân loại đơn vị hành chính còn tính đến quy mô dân số, sau đó giao lại cho địa phương phân bổ phù hợp nhưng không quá định mức. Điều này nhằm giải quyết mối quan hệ giữa thực hiện mục tiêu giảm biên chế với yêu cầu thực thi nhiệm vụ đặt ra…
Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đề cập, yêu cầu làm rõ các vấn đề: giải pháp tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn; giải pháp phát huy đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi; nguyên nhân, giải pháp trong việc sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức dôi dư…
Các vấn đề đại biểu quan tâm đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ; cùng với đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc