Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Tăng cường nguồn cung nhà ở xã hội

17:19, 03/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 3/11 dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Tham gia chất vấn, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến các biện pháp tăng cường nguồn cung nhà ở xã hội; trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi tương đối cao; tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỷ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư; làm rõ trách nhiệm, giải pháp nhiều dự án nhà ở, khu đô thị xuống cấp;… và đề nghị đưa ra các giải pháp để giải quyết các tình trạng trên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...

Cho rằng tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…

Thời gian tới, giải pháp được nêu ra là điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Về chất vấn của đại biểu đối với việc thoát nước đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, dù được các địa phương quan tâm nhưng vấn đề ngập úng vẫn chưa được giải quyết cơ bản, còn bất cập làm ảnh hưởng đời sống người dân.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết là do điều kiện tự nhiên môi trường, do quy hoạch, do quá trình bê tông hóa, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dân; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...

Đại biểu tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề bàn giao công trình đô thị, Bộ trưởng cho biết, nhiều địa phương trong cả nước đã phát triển các dự án nhà ở, dự án đô thị khác nhau về cả quy mô và chất lượng hạ tầng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nhiều dự án chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân là do quy định pháp luật về xây dựng đô thị mới chỉ mang tính nguyên tắc, do đó bàn giao quản lý còn lúng túng khi thực hiện, dự án kéo dài nên bị ảnh hưởng; nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện duy tu bảo dưỡng; nguồn lực quản lý chính quyền đô thị còn chưa tốt...

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung giải pháp rà soát quy định pháp luật để quy định rõ hơn trách nhiệm chủ đầu tư; quy định rõ cơ quan nhà nước thẩm định dự án hạ tầng đô thị; đề xuất sửa đổi một số Nghị định về nội dung này, trong đó có xử phạt hành chính nếu không tuân thủ…

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đã nêu ý kiến chất vấn về các vấn đề: nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư; thị trường bất động sản chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hợp lý; tỷ lệ vi phạm xây dựng giảm nhưng vẫn còn phức tạp; giải pháp trong quản lý trật tự xây dựng; giải quyết căn cơ quy hoạch “treo”… cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Các ý kiến chất vấn của đại biểu đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn trả lời; cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng đã tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.