Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Làm sạch không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu, độc
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11 dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, đồng thời tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT-TT).
Chất vấn về lĩnh vực TT-TT, các đại biểu đề nghị làm rõ giải pháp xử lý tội phạm công nghệ cao và ngăn chặn tin giả; ngăn chặn tác hại thông tin xấu độc trên không gian mạng; giải quyết dứt điểm tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân; trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội; giải pháp khắc phục hạn chế trong tiếp cận thông tin; xây dựng văn hóa mạng; việc thiếu hụt nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin…
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời chất vấn về vấn nạn lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian vừa qua, Bộ TT-TT đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để xử lý một cách căn bản, Bộ TT-TT đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Bộ cũng tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Về vấn đề tin giả, Bộ trưởng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; giảm thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Về mức phạt đưa thông tin, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ TT-TT sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.
Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu, độc thực sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc làm sạch không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc.
Bộ trưởng Bộ TT-TT nêu quan điểm, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào quản lý lĩnh vực này trong không gian thực, thì cũng quản lý trên không gian mạng. Bộ hiện đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh, đồng thời cũng tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Về mua bán dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, đây là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin, mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật, cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin, và tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này, đồng thời kiến nghị cần xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.
Về vấn đề phủ sóng vùng lõm, Bộ trưởng cho biết, Bộ TT-TT đặt kế hoạch trong đến hết năm nay hoặc đến Quý 1/2023 để giải quyết. Tuy nhiên để phát hiện những điểm lõm về sóng phải do chính quyền địa phương báo cáo về Bộ từ đó Bộ tổng hợp và chỉ đạo thực hiện và hiện nay có Quỹ để phủ sóng vùng lõm.
Về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Bộ trưởng cho biết, theo chương trình, cần đầu tư cơ sở vật chất cho từng xã ở tại UBND xã để hỗ trợ bà con tiếp cận với công nghệ thông tin. Cách làm này có một khó khăn là quãng đường di chuyển của bà con khá xa, thiếu hụt nhân lực, nguồn hụt trong việc duy trì, vận hành trung tâm này. Nếu tiến hành ở từng xã thì rất tốn kém. Vì vậy, qua khảo sát, Bộ TT-TT đề xuất với Chính phủ sẽ thực hiện công tác này trên nền tảng số, nền tảng tập trung toàn quốc về y tế, giáo dục, thư viện số.
Đại biểu tham dự phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo Bộ trưởng, giải pháp căn cơ là cho bà con phương tiện tiếp cận, cụ thể là sóng 3G, 4G, điện thoại thông minh. Trong chương trình viễn thông công ích, đã dành ra 400.000 điện thoại thông minh cho bà con, 400.000 Ipad cho học sinh chưa được triển khai. Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương cung cấp thông tin về số hộ gia đình, bà con, học sinh để Bộ cung cấp phương tiện cho bà con.
Về câu chuyện văn hóa mạng, Bộ trưởng cho rằng có nhiều việc phải làm trên không gian văn hóa mạng. Theo Bộ trưởng, Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành áp dụng cho các cơ quan, tuy nhiên các đơn vị, tổ chức khác cũng coi đây là mẫu để triển khai đối với đơn vị mình. Đảm bảo văn hóa mạng cần ngấm vào từng gia đình, từng tế bào, khi đó việc chung tay thực hiện mới có hiệu quả.
Trả lời câu hỏi về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu cả người lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người. Bộ trưởng cho rằng giải pháp ở đây là đại học số. Tuy nhiên nếu đào tạo theo cách truyền thống thì đã đạt đến mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số…
Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề cũng đã được các đại biểu đề cập, yêu cầu làm rõ: trách nhiệm về việc không triển khai được Chương trình “Máy tính cho em”; việc khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia; thúc đẩy xây dựng nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số; giải pháp chấm dứt tình trạng khủng bố qua điện thoại…
Các vấn đề đại biểu quan tâm đã được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng giải trình cụ thể; cùng với đó Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
* Chiều nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn nhóm nội dung thứ hai về lĩnh vực TT-TT và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc