Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV:
Nền tảng cho việc xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
Trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, sáng 7/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội nghiên cứu và ban hành một Nghị quyết về mô hình cơ chế, chính sách đặc thù cấp huyện, thị. Nếu như tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến còn băn khoăn về vấn đề này, tuy nhiên sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng các đại biểu nhận thấy có đầy đủ cơ sở chính trị cho việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột. Đại biểu cho rằng bên cạnh căn cứ chính trị còn có căn cứ pháp lý đầy đủ và các cơ chế được đề xuất khá đồng bộ, trọng tâm và hợp lý với 5 nhóm chính sách tập trung vào 3 vấn đề là tiền - thời gian - con người.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quochoi.vn |
Các đại biểu cho rằng, 5 gói chính sách thuộc 4 lĩnh vực đệ trình Quốc hội xem xét thông qua đợt này, có thể chưa tương xứng với quy mô theo tinh thần Kết luận số 67 của Bộ Chính trị nhưng sẽ là nền tảng cho việc xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa, tiềm năng, lợi thế.
Bày tỏ nhất trí với cơ chế tài chính, đại biểu cho rằng với cơ chế này thì không chỉ TP. Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi. HĐND tỉnh sẽ quyết định và giám sát theo danh mục những dự án đầu tư cụ thể, đúng quy hoạch và có phương án, khả năng cân đối ngân sách trả nợ.
Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả của cơ chế, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát danh mục các dự án đảm bảo tính kết nối có tác dụng lan tỏa tới các tỉnh trong vùng. Đại biểu cũng nhấn mạnh, nếu có cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách nhưng không đồng hành cùng cải cách hành chính công, dịch vụ công, yếu tố con người để tạo điều kiện cho các nguồn lực được khơi dậy mạnh mẽ, thì sẽ không thể mang lại nhiều kết quả.
Theo đại biểu, để tạo sự đột phá cho TP. Buôn Ma Thuột, đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết bổ sung một số chính sách mới nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách mới, nhất là liên quan đến vấn đề đầu tư công, đất đai nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho phù hợp, sát với thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố này trong trước mắt và tương lai.
Về quản lý tài chính ngân sách, đại biểu nêu rõ: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ không vượt quá 40% số thu ngân sách của tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu cho rằng, mức này thấp hơn ngưỡng 60% hiện nhiều địa phương được áp dụng. Nếu ở mức 40% tùy theo tính toán sơ bộ trong 5 năm tới, mức vay để đầu tư cho Buôn Ma Thuột chỉ tăng khoảng 1.200 tỷ đồng, chưa thực sự tạo nên sự đột phá cho thành phố này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải tính toán cho thật kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tính đặc thù về nguồn lực thực hiện Nghị quyết nhưng phải đảm bảo được hiệu quả nguồn vốn vay để có thể trả nợ và không ảnh hưởng chung đến tổng nợ vay quốc gia.
Về cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học có tài năng đặc biệt, đại biểu đề nghị cần chú trọng đến cơ chế và môi trường làm việc, đồng thời cần xác định rõ minh bạch và lượng hóa được các tiêu chí xác định thế nào là tài năng đặc biệt để tránh tác dụng ngược của cơ chế.
Bên cạnh đó, để chính sách được quy định trong nghị quyết đủ mạnh và không dàn trải, đại biểu đề xuất nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa các quy định chính sách để đảm bảo không xung đột với các chính sách khác và đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra bao gồm chính sách về xây dựng; bảo vệ, phát triển các vùng nguyên liệu…
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết, qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là cơ quan chủ trì thẩm tra cho thấy đa số đều đồng tình với 5 nhóm chính sách được nêu trong dự thảo của Chính phủ trình Quốc hội. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn, đề nghị làm rõ thêm một số khía cạnh cụ thể.
Đại biểu cho rằng những băn khoăn, đề nghị như một số vị đại biểu Quốc hội đã nêu là hết sức cần thiết để các cơ quan lưu ý, nhất là những vấn đề trong tổ chức thực hiện như: phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh việc chuyển giá, trốn thuế khi thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, lựa chọn các dự án thực sự có chất lượng, có tính thúc đẩy lan tỏa để phát triển…
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Ngô Trung Thành nhất trí với ý kiến đại biểu và nhất trí với 5 nhóm chính sách được đề ra trong dự thảo nghị quyết. Kết luận số 67 của Bộ Chính trị được ban hành đến nay đã gần 3 năm, cử tri Buôn Ma Thuột nói riêng và cử tri Đắk Lắk nói chung luôn ngóng trông về Quốc hội.
Đại biểu cho rằng những cơ chế, chính sách được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho Buôn Ma Thuột có thể chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng, nhưng đó là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các vị đại biểu Quốc hội dành cho Buôn Ma Thuột. Tỉnh Đắk Lắk chắc chắn sẽ chắt chiu, phát huy hiệu quả cao nhất các chính sách này, khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển thành phố thực sự trở thành đô thị trung tâm có bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên, là cực tăng trưởng, tác động lan tỏa tích cực cho tỉnh Đắk Lắk, cho cả các tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên như tinh thần đề ra tại Kết luận số 67 của Bộ Chính trị.
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội chính sách đặc thù cho đơn vị cấp huyện, đây là điều chưa có tiền lệ, cần thực hiện phù hợp với Kết luận 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và cả những điểm nghẽn của thành phố, của tỉnh, của vùng Tây Nguyên, không phá vỡ hệ thống pháp luật chung đã thống nhất.
Có một số lĩnh vực cần mở rộng phạm vi để tạo điều kiện phát triển cho thành phố, nhưng lại nằm ngoài phạm vi của TP. Buôn Ma Thuột, nên Chính phủ cần cân nhắc, xem xét để đảm bảo hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.
Để thực hiện Kết luận 67 này, Chính phủ đã xây dựng một chương trình hành động, đảm bảo không trùng lắp. Sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù cho Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW.
Về các chính sách ưu đãi, sẽ bám sát Kết luận 67 về nông sản và cà phê, đưa thành phố cà phê trở thành thương hiệu quốc gia, đảm bảo lan tỏa khắp các vùng miền.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện và tiến hành sơ kết, đánh giá, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện tình hình thực tế, từ đó cân nhắc để có những giải pháp phù hợp trong việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương…
* Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Tờ trình, Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu; đồng thời, tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc