Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu là vấn đề gốc rễ

07:15, 06/11/2022

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song kết quả Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của Đắk Lắk vẫn đạt thấp, đòi hỏi phải quyết liệt, có nhiều đổi mới, tạo sự đột phá trong thời gian tới.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ PHẠM MINH HÙNG bên lề Hội thảo khoa học “Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính” vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột.

 

* Ông đánh giá thế nào về kết quả Chỉ số SIPAS của Đắk Lắk trong những năm qua, cũng như một số vấn đề chính mà tỉnh cần đặc biệt lưu tâm, cải thiện trong thời gian tới?

Trên cơ sở kết quả điều tra SIPAS đã được Bộ Nội vụ công bố, có thể thấy rằng, chỉ số SIPAS của Đắk Lắk vẫn còn đạt khá thấp, không ổn định và còn nhiều biến động qua các năm. Chỉ số SIPAS năm 2021 của tỉnh ở mức 83,65%, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố (sau hai năm liên tiếp xếp vị trí 62/63 tỉnh thành cả nước – năm 2019, 2020). Trong 5 nội dung thành phần, chỉ có nội dung Kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hằng năm đều đạt mức yêu cầu đề ra của kế hoạch cải cách hành chính (CCHC). 4 nội dung thành phần còn lại: Tiếp cận dịch vụ; Thủ tục hành chính; Công chức; Tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị thì vẫn còn khá khiêm tốn.

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức thì phải tiến hành mạnh mẽ về CCHC một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, vấn đề gốc rễ là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có năng lực phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và xu hướng phát triển. Tiếp đó, phải tiến hành cải cách thể chế, cải cách TTHC, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Vấn đề trọng tâm nữa tác động đến sự hài lòng của người dân đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, từ dịch vụ hành chính công đến các dịch vụ sự nghiệp. Song song đó là gắn kết giữa CCHC và chuyển đổi số. Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp bách để chúng ta vừa đảm bảo đạt được các mục tiêu CCHC, vừa đảm bảo xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong đó có đội ngũ công chức, có người dân và có doanh nghiệp, có các mối quan hệ được xử lý trên môi trường số để tạo nên một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả hơn trong tương lai.

Cán bộ, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân.

* Như ông vừa nói, xây dựng đội ngũ CBCCVC là vấn đề gốc rễ. Vậy nên hiểu điều này như thế nào? Và có tiêu chí, yêu cầu gì đặt ra cho đội ngũ này trong việc cải thiện chỉ số SIPAS không, thưa ông?

Chỉ số SIPAS được đánh giá dựa trên 5 yếu tố nội dung thành phần. Muốn nâng cao chỉ số này thì chúng ta phải giải quyết đồng bộ các yếu tố đó và rõ ràng, trách nhiệm của đội ngũ công chức đều có liên quan đến từng yếu tố một. Từ việc bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo sự thuận tiện của người dân, đến hướng dẫn quy trình nghiệp vụ TTHC, kê khai hồ sơ, cho đến tinh thần, thái độ của đội ngũ công chức khi giao tiếp với người dân, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, tính chính xác trong việc giải quyết của công chức… đều trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân. Do vậy, khi giải quyết đồng bộ những vấn đề đó thì chắc chắn mức độ hài lòng của người dân sẽ tăng lên.

Về tiêu chí, yêu cầu đối với đội ngũ CBCCVC, theo tôi, trước hết phải tuân thủ những quy định của cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc cho người dân. Thứ hai, là tinh thần, thái độ của công chức đối với người dân: phải thực sự thân thiện, đúng mực, tôn trọng người dân; phải gắn kết và đồng hành với người dân trong giải quyết công việc. Thứ ba, CBCCVC phải quan tâm đến việc tự hoàn thiện mình, từ năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và văn hóa công vụ; tôn trọng, lắng nghe người dân, luôn luôn đứng về phía lợi ích của người dân, quan tâm đến mong muốn, nguyện vọng của người dân. Đừng bao giờ bỏ qua những điều nhỏ nhặt đó. Khi tinh thần, thái độ phục vụ của công chức đạt được những mức như thế, ở tầm xử lý được các công việc, cũng như lắng nghe, quan tâm những mong muốn, nguyện vọng của người dân thì sự hài lòng của người dân sẽ được nâng lên. Suy cho cùng, muốn người dân hài lòng thì phải nâng cao chất lượng phục vụ. Bản chất vấn đề là như vậy!

* Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc