Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Tăng cường đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm các loại tội phạm
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 8/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu nghe, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022.
Thảo luận tại phiên làm việc, các đại biểu đánh giá, trong năm qua, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực phản động trong và ngoài nước không ngừng tăng cường các hoạt động chống phá…, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực triển khai kịp thời của các Bộ, ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát…, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã đạt kết quả nhất định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu cho rằng, nhìn chung, các cơ quan tiến hành tố tụng cơ bản thực hiện tốt việc phối hợp giải quyết các vụ việc từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của ngành, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Trong những năm qua, Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá là điểm đến an toàn của du khách và các nhà đầu tư. Đây là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng phục hồi nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo niềm tin của Nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật vẫn còn một số tồn tại: Một số vụ án có quy mô lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm trên không gian mạng với thủ đoạn mới, tinh vi hơn; tội phạm tham nhũng tăng; tội phạm trong công tác quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh tiền tệ; tội phạm về ma túy, xâm phạm trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp…
Quan tâm đến tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiến đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội, đại biểu nêu rõ, thực tế việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỷ lệ thấp và thường kéo dài.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nguyên nhân chủ yếu và căn bản là tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ. Cụ thể, việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên các mạng xã hội, việc dùng giấy chứng minh nhân dân giả để mua tài khoản sau đó bán kiếm lời. Công tác quản lý của các tổ chức tín dụng trong việc phát hành các tài khoản cũng chưa chặt chẽ.
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, đại biểu đề nghị cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản, việc sử dụng các tài khoản của các cá nhân, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng. Đồng thời tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng.
Đối với việc xử lý các vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán, đại biểu cho rằng, thời gian qua có một số vụ việc vi phạm nổi cộm gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn có bất cập, sơ hở; sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tôi, sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp; các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện lang pháp lý cho công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động phân tích tình hình từ sớm từ xa; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, tố giác về tội phạm; chủ động tranh thủ các nguồn lực để thực hiện tốt phòng chống, tội phạm. Đồng thời, cần tiến hành tổng kết công tác phòng chống, tội phạm và vi phạm pháp luật để rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp hợp lý làm tốt công tác này trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp Nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực; tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trong việc tham gia phòng chống tội phạm, ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc