Multimedia Đọc Báo in

Rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

08:08, 07/12/2022

Tháng 12/1958, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Ðạo đức cách mạng”.

Tác phẩm được in lần đầu trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ngày nay) in thành sách và phát hành trong tháng 12/1958. Cuốn sách chưa đầy 20 trang, nhưng nội dung rất phong phú, cách viết súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức mới - đạo đức cách mạng.

“Ðạo đức cách mạng” là tác phẩm đầu tiên và duy nhất trình bày một cách hệ thống, hoàn chỉnh và bao quát những vấn đề cơ bản về đạo đức cách mạng. Trong đó, chủ yếu làm bật lên hai nội dung đó là khẳng định vị trí, vai trò, tiêu chuẩn quan trọng của đạo đức cách mạng; đồng thời chỉ rõ kẻ thù, những nguy cơ đạo đức cách mạng, là chủ nghĩa cá nhân và nêu rõ những biện pháp để ngăn ngừa và sửa chữa căn bệnh đó.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng ở đây không phải là cái gì trừu tượng, cao xa hoặc từ trên trời rơi xuống, mà là những điều hết sức bình thường, hết sức cụ thể, dễ hiểu, đó là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”. “Đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng”.

Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, Đảng chỉ vững mạnh khi có quan hệ máu thịt với quần chúng nhân dân. Cho nên, “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”, có thể nói, gắn bó mật thiết với nhân dân chính là tư cách và bổn phận của người đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội tháng 5/1957. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Về chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích chủ nghĩa cá nhân là “vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ”, “là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Vì “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển”.

Người phê phán “một số đảng viên, cán bộ đang còn xa xỉ, tham ô, lãng phí, không biết tiếc, biết tôn trọng của công, không biết thương tiếc của cải do mồ hôi, nước mắt đồng bào làm ra”. Do đó, Người khẳng định, muốn chủ nghĩa xã hội thành công thì phải chống được chủ nghĩa cá nhân và phải thực hiện cho được đạo đức cách mạng, “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân” và cách thức để gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, chống lại chủ nghĩa cá nhân là phải rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thường xuyên, liên tục, ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi.

Có thể nói, ra đời cách đây đã 64 năm nhưng trong tác phẩm “Ðạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nội dung, những vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, để chống chủ nghĩa cá nhân, để xây dựng một Ðảng vững mạnh, một chính quyền hướng về nhân dân, một đội ngũ công chức xứng đáng là công bộc của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị, qua đó định hướng cho cán bộ, đảng viên xây dựng nền tảng đạo đức vững chắc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết một số bài học từ thực tiễn của công cuộc đổi mới, trong đó bài học hàng đầu là về xây dựng Đảng. Bên cạnh những thành tựu, Đảng cũng nhìn nhận: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ…”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm kỷ luật…”. Từ thực trạng đó, Đại hội XIII chủ trương đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chủ động, quyết liệt hơn, kiên quyết chống tham nhũng và những tiêu cực khác, quyết tâm quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống chủ nghĩa cá nhân là yêu cầu bức thiết vì nó là nguồn gốc của mọi suy thoái, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị.

Chống chủ nghĩa cá nhân, chống “giặc nội xâm” là cuộc đấu tranh phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, quyết tâm cao, dũng cảm, kiên quyết, kiên trì, không bao che, bao biện, giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đặc biệt, cuộc đấu tranh này phải được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ đối với mọi đảng viên, trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực, song, phải có những bước đi thích hợp, thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm, bởi “đây là một cuộc chiến chống lại những gì đã cũ kỹ, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước với chế độ; để mỗi cán bộ, đảng viên đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa tu dưỡng, rèn luyện mình; để xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; để giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất đó là danh dự, vì danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.