Multimedia Đọc Báo in

Thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

08:15, 28/11/2022

Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Từ đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên khắp cả nước ngày càng được quan tâm hơn, diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ngay cả những vùng nông thôn, miền núi, ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh  tham dự Ngày hội Đại đoàn kết  các dân tộc xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) ngày 18/11/2022. Ảnh: Hữu Nguyên
Đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) ngày 18/11/2022. Ảnh: Hữu Nguyên

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhằm cụ thể hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Theo Người, đại đoàn kết là đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân thì trước hết là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác. Đó là cái nền của nhà, cái gốc của cây, nhưng có nền vững, gốc tốt rồi chúng ta phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân khác. Lời dạy đoàn kết của Người chính là đoàn kết toàn người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt ai cả. Còn đại đoàn kết quốc tế là đoàn kết với nhân dân toàn thế giới ủng hộ và giúp đỡ cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, Người luôn quan tâm tới việc xây dựng khối đại đoàn kết trong cách mạng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là ngọn cờ tập hợp lực lượng cách mạng Việt Nam, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn lâu dài, quyết định thành bại của cách mạng. Người chỉ rõ: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh to lớn, vượt trội, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết ở mức độ càng cao thì lực lượng càng đông, sức mạnh càng lớn, thành công cũng lớn nhất. Đoàn kết tạo ra sức mạnh vô địch cho cách mạng thành công. Có đoàn kết, chúng ta mới chống lại được âm mưu “chia để trị” của các thế lực thù địch. Thực hiện đại đoàn kết chính là để khắc phục những hiện tượng mất đoàn kết trong Đảng, cơ quan, nội bộ nhân dân. Đại đoàn kết còn là trường học đào tạo cán bộ cho Nhà nước và nhân dân.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để thực hiện đại đoàn kết thì điều căn bản là phải phân biệt rõ bạn và thù. Người đã từng nhắc nhở: Đại đoàn kết phải được xây dựng, củng cố trên nền tảng thống nhất chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, lợi ích tối cao của dân tộc với quyền lợi của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người. Đoàn kết là phải tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân. Trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, dân là nhân vật trung tâm; dân là gốc rễ, nền tảng, chủ thể của đại đoàn kết; dân là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của đại đoàn kết, quyết định thắng lợi của cách mạng; dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng Cộng sản, của hệ thống chính trị. Đại đoàn kết cũng cần phải xuất phát từ sự chân thành, thân ái, thẳng thắn; đoàn kết gắn với tự phê bình và phê bình. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân.

Cùng với các nguyên tắc nói trên thì việc thực hiện đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh không cứng nhắc mà phải có phương pháp linh hoạt, phát triển, thích ứng với sự vận động, biến đổi của thực tiễn khách quan. Trong đó, tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, phải có khoa học, nghệ thuật cách mạng để tìm tòi, lựa chọn các nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi của quần chúng.

Một vấn đề quan trọng trong phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh đó là phải xây dựng hệ thống chính trị cách mạng hoàn chỉnh để tổ chức thực hiện đoàn kết có hiệu quả. Trong đó, Đảng Cộng sản luôn là người khởi xướng, vun đắp, lãnh đạo khối đại đoàn kết. Nhà nước là người phải thường xuyên xây dựng, củng cố, trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân thì mới đoàn kết, tập hợp được nhân dân. Sự đoàn kết thống nhất của các lực lượng cách mạng là điều kiện tiên quyết giúp cho việc thu hút, tập hợp các lực lượng trung gian vào trận tuyến cách mạng và cô lập cao độ thế lực thù địch.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 92 năm qua đã chứng tỏ sức sống diệu kỳ và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Tư tưởng đó được thể hiện qua đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam để rồi biến thành hành động của hàng triệu quần chúng, tạo nên sức mạnh chiến thắng trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giành lại độc lập, thống nhất trọn vẹn cho Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn về tư tưởng đại đoàn kết của Người. Tư tưởng chủ đạo được đề cập trong đường lối của Đảng là phải khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sức mạnh của dân tộc, phù hợp với sự vận động, biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới. 

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.