Multimedia Đọc Báo in

Những đảng viên dân tộc thiểu số tiên phong

06:18, 08/01/2023

Phát huy vai trò tiên phong, nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã đi đầu trong các phong trào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; là “hạt nhân” quan trọng góp phần cùng địa phương củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đổi mới tư duy sản xuất

Trên cương vị là Bí thư Chi bộ buôn Cuah, xã Yang Reh (huyện Krông Bông), ông Y Kriăl Byă luôn năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Gia đình ông có 4 sào lúa, 4 sào ngô và 8 sào cà phê nhưng do trồng bằng giống cũ, phương thức canh tác lạc hậu nên tốn nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất cao nhưng cũng chỉ đủ ăn. 

Ông Y Kriăl Byă, Bí thư Chi bộ buôn Cuah (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) chăm sóc vườn cà phê.

Năm 2017, ông quyết định chuyển đổi giống cây trồng, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sau khi tham gia chương trình tập huấn do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức. Cụ thể, ông thay thế giống lúa, giống ngô địa phương bằng giống lúa ST24, ngô lai DK6919,... có  nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng, khả năng thích ứng, chống chịu sâu bệnh cao, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Qua các vụ sản xuất, năng suất lúa bình quân của gia đình ông đạt 1,2 tấn/sào; năng suất ngô đạt 1 tấn/sào. Không chỉ vậy, đầu ra của hai loại nông sản này thuận lợi, nhờ đó cuộc sống của gia đình ông đã thay đổi tích cực. 

Năm 2019, ông Y Kriă quyết định phá bỏ 5 sào cà phê già cỗi để trồng mới. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc nên sau 3 năm vườn cà phê tái canh của gia đình ông đã cho trái ổn định. Trong năm 2022, ông tiếp tục tái canh 3 sào cà phê già cỗi còn lại. Ông Y Kriăl cho biết: "Phá bỏ vườn cà phê già cỗi để trồng mới, những năm đầu kinh tế gia đình khó khăn vì mất một khoản thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, khi vườn cà phê tái canh cho thu hoạch thì năng suất cao hơn từ 30 - 40% so với vườn cây cũ". Theo tính toán của ông Y Kriăl, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình ông thu về 170 triệu đồng từ vườn cà phê, lúa, ngô… 

Thấy việc chuyển đổi giống cây trồng của Bí thư Chi bộ buôn Cuah Y Kriăl Byă đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình trong buôn đã học tập và làm theo. Đến nay, buôn Cuah đã có 35 ha tái canh cà phê; 100 ha lúa và 65 ha ngô trồng các giống mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, cuộc sống của người dân buôn Cuah được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm; trong buôn có 13 hộ có thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Giữ bình yên cho buôn làng 

Năm 2017, chị H'Sơ Bat Niê được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ buôn Ktơng Drun, xã Cư Né (huyện Krông Búk), có 118 hộ với hơn 700 nhân khẩu, 99% dân số là người Êđê.

Trước đây, buôn Ktơng Drun từng là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch thường móc nối, cấu kết với bọn phản động FULRO lưu vong để xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân chống phá chính quyền. Năm nào trong buôn cũng có người vượt biên trái phép sang Lào, Campuchia với giấc mộng đổi đời. Giai đoạn năm 2014 - 2016, trong buôn có 28 người bị kẻ xấu lôi kéo vượt biên.

Chị H' Sơ Bat, Phó Bí thư Chi bộ buôn Ktơng Dru, xã Cư Né, huyện Krông Búk (bên phải) tuyên truyền cho người dân về âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu.

Để ngăn chặn sự dụ dỗ của kẻ xấu, chị H' Sơ Bat xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, bởi theo chị khi có được sự đồng lòng của nhân dân thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Không quản ngại khó khăn, đêm hôm, chị H' Sơ Bat đi đến các hộ gia đình, nói chuyện với từng người, đặc biệt là người thân của các đối tượng vượt biên để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn trong đời sống. Từ đó, tuyên truyền giúp bà con thấy rõ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. 

 
Buôn Ktơng Dru giờ đã thay đổi toàn diện so với trước đây, người dân không còn nghe theo kẻ xấu nữa. Hai năm gần đây, trong buôn không có người vượt biên trái phép. 11 trường hợp vượt biên đã trở về đoàn tụ với gia đình, ổn định cuộc sống”.
 
Chị H' Sơ Bat, Phó Bí thư Chi bộ buôn Ktơng Dru

Chị H' Sơ Bat chia sẻ: “Thời điểm đó, hễ thấy bóng dáng của tôi ở cửa trước nhiều người lén đi ra cửa sau. Không nản chí, đến một lần không gặp thì đến hai lần, rồi ba lần, không gặp nữa thì tôi tìm đến tận rẫy để nói chuyện”. “Mưa dầm thấm lâu”, nhiều người sau một thời gian được vận động đã thay đổi nhận thức, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Năm 2016, chị H’ Ush Niê là một trong những người trong buôn Ktơng Drun vượt biên trái phép sang Campuchia. Biết tin, chị H' Sơ Bat thường xuyên đến nhà bà H’ Ju Niê  - mẹ của chị H’ Ush để trò chuyện, nói rõ âm mưu của bọn xấu cho bà nghe. Đồng thời tìm cách liên lạc, động viên chị H’ Ush về nước. Năm 2017, chị H’ Ush đã nhận ra sai lầm, trở về quê hương, tu chí làm ăn.

Hay như vợ chồng anh Y Uôn Niê dù có đất đai, nhà cửa khang trang nhưng vì tin theo lời kẻ xấu nên đã cầm cố đất đai, vay mượn 100 triệu đồng mang theo năm người con vượt biên sang Campuchia. Tuy nhiên, khi đến xứ người, gia đình anh Y Uôn vỡ mộng vì cuộc sống không như những lời giới thiệu của kẻ xấu, phải sống chui lủi trong khu nhà dành cho lao động vượt biên trái phép; làm vất vả 12 giờ/ngày nhưng tiền công chỉ bằng một nửa so với người bản địa; con cái không được học hành. Giữa lúc chới với, cực khổ, anh Y Uôn nhận được điện thoại động viên, khuyên nhủ của chị H' Sơ Bat nên năm 2021 gia đình anh đã trở về quê hương.

Những trường hợp vượt biên trái phép trở về, chị H' Sơ Bat đều đến nhà thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm và ổn định tư tưởng để họ không mặc cảm. Nếu gia đình nào có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, chị H' Sơ Bat tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Chị H' Sơ Bat cũng vận động bà con láng giềng không xa lánh mà hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm lỗi trở về làm ăn.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.