Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tạo động lực phát triển kinh tế tập thể
Chiều 25/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; ghi nhận dự thảo Luật đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ nhiều ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội.
Tham gia phát biểu ý kiến về chính sách của nhà nước với hợp tác xã, đại biểu đề nghị quy định rõ ràng, rành mạch, ngoài có chế độ, chính sách ưu tiên cho hợp tác xã vừa và nhỏ, cần có những ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho các hợp tác xã nông nghiệp, do loại hình này khó tiếp cận được nguồn lực về vốn, về đất đai.
Theo đại biểu, quy định về các chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là vấn đề hết sức quan trọng để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhưng Điều 18 dự thảo luật quy định tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước chưa thực sự mở, chưa đột phá, chưa tạo động lực cho sự phát triển khu vực này. Do đó, đại biểu đề nghị cần có những chính sách mở để thu hút những nhân tố mới, nguồn lực mới từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường luôn luôn biến động.
Quang cảnh phiên làm việc chiều 25/5. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể hơn, thuận lợi hơn về chính sách tích tụ đất trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.
Liên quan đến thể chế hóa chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu đồng tình cao với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, nhất là hoàn thiện các quy định, các chính sách về đất đai, tiếp cận vốn, bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí. Trong đó đã có bổ sung Điều 28 về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, còn một số chính sách cần nghiên cứu, bổ sung thêm, trước hết là chính sách về đất đai, đây cũng là một trong những điểm khó khăn của các hợp tác xã hiện nay. Đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng trụ sở làm việc và hạ tầng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, như xây dựng nhà kho, nhà xưởng, cơ sở sản xuất…
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời đại biểu cho rằng nên quy định thêm cơ chế để giúp hợp tác xã nông nghiệp tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP.
Về chính sách bảo hiểm, đại biểu cho rằng cần có chế độ ưu tiên hỗ trợ hoặc cơ chế khuyến khích để thành viên hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây vừa là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, vừa tạo động lực khuyến khích người dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.
Về hoạt động cho vay nội bộ, đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định khi nguồn vốn đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì mới cho thực hiện việc cho vay là sẽ rất là khó hoạt động trong hợp tác xã. Trong khi hoạt động tín dụng nội bộ là một hoạt động rất tốt để hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã để phát triển sản xuất. Do đó đại biểu đề xuất nên quy định rõ nguồn vốn để thực hiện việc tín dụng nội bộ. Đó là có thể sử dụng một phần vốn điều lệ, có thể sử dụng một phần vốn đóng góp của thành viên hợp tác xã. Đồng thời, đề nghị cần bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ tín dụng nội bộ để bảo đảm an toàn như nguyên tắc tự nguyện tự, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận hay chỉ cho các thành viên hợp tác xã vay.
Về tổ hợp tác, đại biểu đề nghị phải đảm bảo tổ hợp tác có tư cách pháp nhân để có thể ký kết hợp tác, ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các hoạt động thông thường để hoạt động, phát triển. Về liên đoàn hợp tác xã, đại biểu cho rằng không nên luật hóa trong dự án luật lần này, mà nên thực hiện thí điểm, nếu thành công thì sẽ đề xuất, sửa đổi bổ sung Luật Hợp tác xã để đưa vào luật.
Về Quỹ quản lý hợp tác xã, đại biểu cho rằng Quỹ trung ương nên giao cho Liên minh Hợp tác xã trung ương, Quỹ địa phương nên giao cho Liên minh Hợp tác xã của địa phương quản lý. Về vốn tín dụng nội bộ, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định rạch ròi, cụ thể rằng vốn tín dụng nội bộ chỉ hoạt động cho nội bộ, có thanh tra, kiểm tra thường xuyên, tránh các tình trạng lợi dụng, biến tướng…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến về các quy định về tổ hợp tác, tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh Hợp tác xã, quy định về thành viên hợp tác xã, tổ chức quản trị hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; vấn đề tài chính, tài sản và quỹ không chia; điều lệ và các nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; việc huy động vốn từ các thành viên, cho vay nội bộ, góp vốn mua cổ phần; chuyển nhượng vốn góp của thành viên; điều kiện về số vốn, số lượng thành viên chính thức của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trong hợp tác xã…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, làm rõ một số nội dung của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu tiếp thu, làm rõ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, đồng thời cảm ơn Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng và ban hành luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc bất cập để mô hình kinh tế này phát triển đáp ứng được yêu cầu thực tế. Sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc