Đàn ngựa núi Hinh Hốt và người của giàng trong phong trào Tây Sơn
Trong chuỗi dài lịch sử Việt Nam, phong trào Tây Sơn và vương triều Tây Sơn (1778 - 1802) được hậu thế đánh giá là vương triều có công thống nhất đất nước.
Hơn 250 năm nội chiến từ khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc (1527), đất nước bị chia cắt Nam – Bắc triều, Đàng Ngoài - Đàng Trong… Đến năm 1789 được xem là dấu mốc thu giang sơn về một mối.
Trong những năm đầu dựng cờ khởi nghĩa (1771), ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ nắm bắt các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để làm việc lớn, biết cách để thu phục lòng người.
Nguyễn Nhạc đã kết duyên với cô gái người dân tộc Ba Na tên là Ya Đố, xinh đẹp, giỏi võ nghệ, con của một tù trưởng giàu có và uy tín nhất vùng. Cuộc hôn nhân này đã làm cầu nối cho sự gắn bó, đoàn kết hỗ trợ, giúp sức của các dân tộc Ba Na, J’rai, Kơ Ho, H’rê, Brao, Giẻ Triêng… làm nên sự nghiệp cho vương triều Tây Sơn sau này.
Trong các cộng đồng dân tộc thiểu số ấy chỉ có người Xê Đăng kiên quyết không theo phong trào đấu tranh. Nhiều lần Tây Sơn xin kết ước cầu thân nhưng họ không chịu, tù trưởng Bok-Ki-Hom nói rằng: “Người Xê Đăng không theo ai cả, chỉ trừ người của Giàng (Yang - người nhà trời), nếu ông Nhạc gọi được đàn ngựa nhà trời trên núi Hinh Hốt thì người Xê Đăng sẽ theo ông”.
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nguồn: Internet |
Năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, Trương Phúc Loan giữ chức Quốc phó cùng đồng đảng lộng quyền, lấn át cả phủ chúa, tham lam, bạo ngược, khiến chính sự Đàng Trong khó bề cứu chữa.
Vì vậy sau hai năm Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa có hàng nghìn nghĩa binh đầu quân, khoảng 400 thớt voi, 1.700 tuấn mã. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc giao tượng binh cho vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân – Trần Quang Diệu thuần dưỡng, điều khiển, huấn luyện. Binh mã do Nguyễn Huệ trực tiếp huấn luyện, bên cạnh đó còn thu phục, thuần hóa đàn ngựa hoang trên núi Hinh Hốt để thu phục người Xê Đăng.
Sau một thời gian tìm hiểu tập tính của loài động vật này, Nguyễn Huệ đã chọn một số con ngựa cái thật to và đẹp, lông dài mượt và đen như hạt dền, bốn chân cao, đuôi dài chạm đất.
Ông cho ăn cỏ non trộn mầm lúa, rắc ít bột gạo nếp rang và hòa vào nước muối loãng vào trong thức ăn, những con ngựa này dần “nghiện” thức ăn nên mến chủ quấn quýt không rời. Hiểu được đặc tính loài ngựa là mùa rét vào ban đêm chúng thường ép vào nhau để giữ ấm đàn, giữ ấm mình, vì thế Nguyễn Huệ thả những con ngựa đã thuần vào núi Hinh Hốt, cứ khoảng 3 - 5 ngày mang đồ ăn ra chân núi kèm theo những tiếng hú gọi để tạo phản xạ, đồng thời ông treo những chiếc áo cũ của mình bên cạnh những đống cỏ để cảm nhận mùi, bởi ngựa có thói quen như loài khuyển. Bầy ngựa hoang bén hơi, thân thiết với những chú ngựa nhà, một thời gian nghe tiếng hú gọi của ông vọng giữa núi rừng là đàn ngựa hoang tập trung.
Tin đàn ngựa núi Hinh Hốt được Nguyễn Huệ gọi về sau mỗi buổi sáng hằng ngày, người Xê Đăng tận mắt chứng kiến hết sức lạ lùng, ngạc nhiên. Họ cho rằng ông Huệ là người nhà trời, họ tập trung rước kiệu ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ về buôn làng mổ trâu ăn mừng. Từ đó trong trong đội quân Tây Sơn có rất nhiều chiến binh quả cảm người dân tộc Xê Đăng, họ đã góp phần vào chiến thắng vang dội, đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu (1789).
Hơn 200 năm trôi qua, những thăng trầm lịch sử đã tác động cuộc sống cùng với phong tục tập quán, người Xê Đăng di chuyển dần đến vùng Bắc Tây Nguyên thuộc Kon Tum và vùng rừng núi Quảng Nam định cư xây dựng buôn làng. Dấu tích của họ ở Tây Sơn thượng đạo dần ít được nhắc đến, nhưng trong lịch sử vương triều Tây Sơn cả chính sử và dã sử đều ghi nhận công lao với chiến công hiển hách của những chiến binh người Xê Đăng trong các trận chống ngoại xâm Mãn Thanh ở Ngọc Hồi, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa… của mùa Xuân Kỷ Dậu năm ấy.
Võ Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc