Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

19:21, 20/06/2023

Chiều 20/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Kết quả, có 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật này (đạt tỷ lệ 93,72%).

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường, góp ý cụ thể về tên gọi dự thảo luật, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị đổi tên thành Luật Bảo vệ nguồn nước, vì xuyên suốt nội dung của dự thảo luật đề cập đến phạm vi bảo vệ nguồn nước. Dự thảo có đề cấp đến trách nhiệm quản lý nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, nước công nghiệp… nhưng lĩnh vực này đều thuộc các luật chuyên ngành do các bộ chuyên ngành quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Nếu giữ tên luật như Chính phủ trình dễ dẫn tới chồng chéo trong quản lý, không bám sát yêu cầu trong Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tên dự thảo luật sẽ giúp định vị phạm vi sửa đổi của luật tốt hơn.

Về phạm vi điều chỉnh, theo đại biểu, trong dự thảo luật nêu nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà điều chỉnh ở Luật Khoáng sản năm 2010. Đại biểu cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vẫn là tài nguyên nước, tồn tại ở các tầng chứa nước dưới đất và có khả năng tái tạo không như các loại khoáng sản khác. Trong khi các quy định của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bao hàm tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng nước dưới đất.

Vì vậy, đại biểu đề nghị đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để đảm bảo thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Ngoài ra, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là loại tài nguyên nước có giá trị cao và có khả năng tái tạo nên cần có quy định cụ thể, nhằm tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này để phục vụ nhu cầu sức khỏe của nhân dân và phát triển dịch vụ, du lịch, tăng thu cho ngân sách.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan khi đầu tư dự án công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn, đại biểu khẳng định, việc lấy ý kiến nhân dân là rất cần thiết, nhưng quy định như dự thảo luật dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường.

Quy định như dự thảo luật sẽ dẫn tới nguy cơ một dự án sẽ phải lấy ý kiến 2 lần hoặc thực hiện một lần nhưng phải có 2 bộ hồ sơ, gây tốn kém, phát sinh chi phí thủ tục hành chính. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này, trong trường hợp cần thiết, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Ngoài ra, một số đại biểu quan tâm cho ý kiến về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, và đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể về nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng bảo vệ nguồn sinh thủy; đồng thời đề xuất xem xét, nghiên cứu bổ sung các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác, sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy; giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng, nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, góp ý. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, góp ý. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng, đặc biệt là an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến Việt Nam. Việc sửa đổi luật cũng giúp chủ động trong việc tích nước, đảm bảo đủ nước, cấp nước sinh hoạt cho sinh hoạt và sản xuất.

Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các giải pháp sử dụng nước khoa học, tiết kiệm, tiếp cận theo hướng tuần hoàn nguồn nước. Đối với đề nghị của đại biểu bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nước nóng, nước khoáng, Bộ trưởng cho biết nội dung này đã được quy định trong Luật Khoáng sản; đối với nước ngầm thuộc đặc quyền kinh tế, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, cùng với cơ quan liên quan tiến hành thẩm định rà soát nội dung này.

Cơ quan soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu cụ thể hóa các quy định về quản lý tài nguyên nước đối với nước ngọt, nước mặt và nước lợ; quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; rà soát, bổ sung điều chỉnh một số thuật ngữ chuyên ngành đảm bảo đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu; nghiên cứu bổ sung các chức năng về phòng chống lũ, điều hòa chống úng, chống ngập đô thị; trách nhiệm quản lý, phân cấp phân quyền, tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước để khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể thế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ, quản lý, sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước; tích cực chủ động trữ nước, điều tiết nước trong sinh hoạt và đời sống; thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến phát biểu tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.