Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động kinh doanh lĩnh vực viễn thông

14:38, 22/06/2023

Sáng 22/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu đã biểu quyết thông qua. Kết quả, có 468/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua, đạt tỷ lệ 94,74%.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 476 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,36%).

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). 

Đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu nhận định, sau 12 năm thực hiện, Luật Viễn thông hiện hành đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, bộc lộ sự lạc hậu so với thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông năm 2009 là hết sức cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu mở đầu phiên thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu mở đầu phiên thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về tính khả thi của dự án luật, một số ý kiến cho rằng, có nhiều nội dung vẫn quy định mang tính nguyên tắc, theo đó có tới 20 điều khoản giao Chính phủ, 4 nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. Với thiết kế như vậy, đại biểu cho rằng có thể ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của các quy định khi luật có hiệu lực thi hành, đồng thời tạo sức ép lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đánh giá, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực không phải là hoạt động và dịch vụ viễn thông truyền thống, nay đang là các dịch vụ trở nên phổ biến và ngày càng có xu hướng thay đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống.

Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ này trong dự thảo luật đến đâu để đảm bảo vẫn thông thoáng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, nhưng vẫn đảm bảo có các hành lang pháp lý để quản lý.

Tại phiên thảo luận, quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cũng nhận được sự quan tâm góp ý của đại biểu Quốc hội. Đại biểu nhận định, mục tiêu quỹ là hỗ trợ cho người nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, xây dựng một số công trình hạ tầng viễn thông, nhằm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách giữa các vùng miền, đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, phù hợp với xu hướng của các nước, vì vậy cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Để đảm bảo tính hiệu quả của Quỹ, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tăng tính hiệu quả của Quỹ, phân định rõ ràng từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ, phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời xem xét mở rộng phạm vi của Quỹ thay vì sử dụng vì mục tiêu hỗ trợ như hiện nay.

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị có quy định chặt chẽ việc bảo mật thông tin cá nhân, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, tránh xảy ra lạm quyền…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng hay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng hay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu giải trình, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cân đối giữa quy định cứng nguyên tắc của luật và sự linh hoạt ở tầm Nghị định đối những vấn đề mới công nghệ mới, dịch vụ mới có sự thay đổi nhanh chóng, cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, cũng như hài hòa lợi ích của ba nhà: nhà dân, nhà cung cấp dịch vụ và nhà nước; quản lý ở mức tối thiểu nhưng thực thi nghiêm minh; vấn đề giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và chi phí thực thi pháp luật của nhà nước; vấn đề hội tụ của viễn thông công nghệ thông tin và công nghệ số..

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng giải trình một số nội dung cụ thể đại biểu nêu liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Theo đó, quỹ này thực chất là quỹ phổ cập, quốc gia nào cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập Internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Nếu nhà nước nhận trách nhiệm phổ cập từ ngân sách nhà nước, các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân và có lãi cao, vì thế nhà nước phải đầu tư rất nhiều nên đa số các quốc gia chọn cách yêu cầu nhà mạng có trách nhiệm.

Ở Việt Nam, quỹ này giao cho chính các nhà mạng thực hiện, phổ cập 2G, 3G, 4G và 5G, góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được sử dụng dịch vụ và phải có điện thoại vào nhóm đầu trên thế giới. Tuy nhiên, vừa qua vận hành của Quỹ có một số bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ, cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo luật theo hướng xác định rõ mục tiêu cách thức thu để hiệu quả hơn… Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục duy trì Quỹ này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, xin Quốc hội cho phép đổi tên Quỹ thành Quỹ dịch vụ phổ cập.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Luật Đầu tư đã xác định Trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể trong luật chuyên ngành. Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định theo hướng quản lý mềm giống như nhiều quốc gia khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và dịch vụ này nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.