Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở

16:09, 20/06/2023

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 20/6 Quốc hội xem xét, đánh giá các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo; tiến hành biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự với tỷ lệ phiếu tán thành lần lượt là 94,33%; 94,94%.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, với 95,34% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Đại biểu biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: quochoi.vn

Sau phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật này là phù hợp với nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 5/9/2019, Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư.

Theo các đại biểu, thực tế hiện nay, đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, Bảo vệ dân phố, Dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật do Chính phủ trình, vì đã khái quát đầy đủ và tương đối thống nhất với nội dung dự thảo Luật, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật. Có ý kiến đề nghị nên mở rộng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cho toàn diện nhằm huy động được lực lượng rộng rãi tham gia…

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo ý kiến của nhiều đại biểu, xuất phát từ vị trí, chức năng của lực lượng này là tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nên việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhiều đại biểu nhất trí với các tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại Điều 4, gắn với quy định thẩm tra hồ sơ, bầu vào Tổ bảo vệ an ninh trật tự tại Điều 13.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: quochoi.vn

Một số đại biểu đề nghị cân nhắc từ “tuyển chọn”, vì việc tham gia lực lượng này thông qua hình thức bầu tại thôn, tổ dân phố, được chủ tịch UBND cấp xã công nhận; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn phục vụ; đề nghị không tuyển chọn đối với những người đang tham gia dân quân tự vệ, người đã được sắp xếp vào lực lượng dự bị động viên để tránh chồng chéo trong việc huy động, sử dụng lực lượng, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng này.

Thêm vào đó, các đại biểu đề nghị rà soát các tiêu chuẩn, yêu cầu về hồ sơ để không làm hạn chế tính tự nguyện và tinh thần xung phong, hạn chế quyền được tham gia bảo vệ an ninh trật tự của công dân; đồng thời, ưu tiên đối với những người có kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ an ninh trật tự.

Đại biểu cho rằng, dự thảo luật nên xây dựng dưới góc độ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó các chương, các nội dung quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở theo hướng lực lượng này là nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ về bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Góc độ tiếp cận này sẽ bảo đảm được tính toàn diện, bao quát, kết hợp với các lực lượng khác ở cơ sở để thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua, từ đó tạo ra các khung khổ pháp luật để đảm bảo được tính dân chủ, an ninh, trật tự trong các hoạt động ở cơ sở.

Đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần thiết kế các quy định để đảm bảo huy động, tổ chức, phối hợp triển khai hiệu quả, hợp lý đối với lực lượng dân phòng, lực lượng dân quân tự vệ.

Cho ý kiến về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định các nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là rộng và “nặng” so với vị trí, chức năng là lực lượng tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an chính quy trong hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, nhiều nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về pháp luật, có chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ nhất định.

Các đại biểu cũng cho rằng nhiều quy định về nhiệm vụ còn chung chung, thiếu cụ thể, sẽ khó khăn trong việc thực hiện; đề nghị phân định rõ nhiệm vụ của lực lượng này với nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp xã (chính quy) và các lực lượng khác ở cơ sở; cần cụ thể hơn chức năng làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự, hỗ trợ lực lượng Công an xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần bố trí ngân sách cần thiết để đảm bảo cho lực lượng này được hoạt động hằng năm với mức hỗ trợ phải phù hợp, đảm bảo thu nhập phù hợp với điều kiện của từng địa phương, chứ không nên quy định cào bằng…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.